VẬN DỤNG KỸ NĂNG GIAO TIẾP CỦA GIẢNG VIÊN TRONG GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Kỹ
năng giao tiếp là tập hợp những quy tắc, cách ứng xử, tương tác được đúc kết
bằng những kinh nghiệm trong quá trình giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên, cũng có thể
gọi nó là nghệ thuật giao tiếp. Bởi lẽ, nó không chỉ đơn thuần là giao tiếp mà
còn bao gồm các kỹ năng khác như: Kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu; kỹ năng sử dụng
ngôn từ, hình thể; kỹ năng thuyết phục… Kỹ năng giao tiếp được xem là một trong những kỹ năng mềm vô
cùng quan trọng trong đời sống xã hội nói chung, trong giảng dạy lý luận chính
trị nói riêng. Giao tiếp không chỉ là cầu nối gắn kết mối quan hệ giữa mọi
người, mà kỹ năng giao tiếp còn là chìa khóa dẫn đến thành công trong mọi lĩnh
vực.
Giao tiếp diễn ra hằng ngày trong mọi tình huống, thông qua
giao tiếp sẽ làm thay đổi hoặc đạt đến sự hiểu nhau giữa hai hoặc nhiều người.
Với ý nghĩa đó, giao tiếp là một yếu tố không thể thiếu trong giảng dạy và để
giảng dạy đạt hiệu quả thì giao tiếp phải được nâng lên thành nghệ thuật giao
tiếp. Trong công tác giảng dạy lý luận chính trị người giảng viên không chỉ là
một quyển sách biết nói, một cái máy ghi và phát âm vô hồn và truyền tải thông
tin, mà giảng viên luôn biết nêu vấn đề, gợi mở và đối thoại với học viên, đây
chính là nghệ thuật giao tiếp thể hiện mối quan hệ tương tác giữa giảng viên và
người học. Muốn đạt được nghệ thuật trong giao tiếp đòi hỏi hoạt động nói (ngôn
ngữ) phải trở thành yêu cầu thiết yếu, thông qua ngôn ngữ giúp học viên nhận
thức được vấn đề, biết phân biệt, phán đoán, đánh giá, khẳng định và tiếp nhận
kiến thức. Giảng viên không áp đặt khối kiến thức giáo điều, cứng nhắc, mà luôn
khuyến khích, khơi gợi cho học viên suy nghĩ, biết cách học, để phát huy tối đa
năng lực tư duy và sự sáng tạo. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi giảng viên phải chú ý gọt
giũa ngôn từ, giúp học viên hiểu điều mình muốn nói, trao đổi thông điệp và duy
trì mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò, nhằm đáp ứng mục tiêu và chất lượng
dạy - học tích cực.
Đối với công tác giảng dạy, lắng
nghe cũng là một nghệ thuật, là giao tiếp không lời cao nhất, bởi lắng nghe sẽ
mang lại cảm giác tin tưởng cho người đối diện. Nếu trong cuộc tiếp xúc trực
tiếp trên lớp, giảng viên lắng nghe ý kiến của học viên "sự lắng
nghe" sẽ là cách tốt nhất giúp làm cân bằng cuộc giao tiếp, học viên nhận
ra sự tôn trọng của giảng viên dành cho mình, đồng thời làm giảm áp lực của
cuộc trao đổi. kích thích hứng thú, đưa ra được ý kiến phản hồi, tạo không khí
vui vẻ, thoải mái, cởi mở dễ cảm thông, chia sẻ với nhau, có thiện cảm và hợp
tác tích cực với nhau trong hoạt động dạy và học. Trong khi nghe, phải tập
trung và đem lại sự hài lòng đối với người nói, vì có nhiều cấp độ nghe khác
nhau, nhưng đòi hỏi giảng viên phải nghe một cách chú ý và nghe thấu cảm, nghĩa
là chăm chú nghe, tập trung chú ý vào những lời mình nghe được, nghe ở mức độ
cao nhất “lắng nghe” đi sâu vào ý kiến phát biểu của học viên. Không chỉ nghe
bằng tai, mà bằng cả trái tim để hiểu được cảm xúc và nhu cầu, phát hiện vấn
đề, hiểu được nhận thức, suy nghĩ và tình cảm của học viên.
Bên cạnh sự “lắng nghe”, giảng
viên cũng cần chú ý đến các yếu tố phi ngôn từ, bởi đây là loại hình giao tiếp
sử dụng điệu bộ, cử chỉ, ngữ điệu, ánh mắt, vẻ mặt, tư thế, trang phục để
truyền đạt thông tin. Qua điệu bộ, cử chỉ, thái độ… học viên có thể hiểu được giảng
viên nói gì. Bởi nó truyền đạt đến người nghe một lượng thông tin đi kèm cảm
xúc - mà không có công cụ giao tiếp hay thông tin nào có thể biểu đạt được. Một
nụ cười thể hiện sự đồng ý, cái gật đầu thể hiện sự đồng cảm, hay “mím miệng”
thể hiện sự bất đồng một cách nhẹ nhàng, vẻ mặt nhiều khi có sức thuyết phục
hơn là hàng giờ giải thích. Có thể khẳng định trong giảng dạy, kỹ năng giao
tiếp rất quan trọng, để đạt hiệu quả ở lĩnh vực này, giảng viên nên lưu ý một
số vấn đề cơ bản: Chuẩn bị bài chu đáo, đưa ra những thông điệp, gợi mở, hướng
dẫn, khuyến khích học viên tìm tòi, chủ động lĩnh hội kiến thức và đưa ra ý
kiến phản hồi; Giảng
viên cần phải diễn đạt câu từ trong bài giảng một cách hợp lý hơn, sử dụng ngôn ngữ phù hợp ngữ cảnh và
đối tượng, chú ý lắng nghe, (đặc biệt những thông tin phản hồi của học viên) để
tạo sự tương tác giữa người dạy và người học. Từ đó có cách hướng dẫn hợp lý và
hiệu quả hơn trong giảng dạy. Đồng thời cũng cần chú ý đến các yếu tố phi ngôn
từ để mang đến những thông điệp cần thiết cho người học.
Trên thực tế, có rất
nhiều nhân tố dẫn đến thành công trong giảng dạy, nhưng nhân tố quan trọng
nhất, quyết định nhất, vẫn là nghệ thuật giao tiếp. Không
phải ngẫu nhiên mà trong vô số những điều cần phải học, ông cha ta lại chọn
giao tiếp, ứng xử: Học ăn, học nói, học gói, học mở là ưu tiên số một. Chính
những kỹ năng này là điều kiện tiên quyết, mở đường cho sự thành công để xây
dựng nên chuẩn mực trong văn hóa sống và giao tiếp hằng ngày. Đối với người giảng
viên, tính chuyên nghiệp trong giao tiếp (qua lời nói, cử chỉ, hành động, cách
ứng xử,…) lại càng cần thiết và quan trọng hơn. Chính điều này sẽ định vị nên
hình ảnh người thầy mẫu mực trong mọi mối quan hệ. Nhận thức được tầm quan
trọng của kỹ năng giao tiếp trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, đòi
hỏi người giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ, tìm tòi kiến thức,
thực hành và gọt giũa ngôn từ, nâng cao
kỹ năng giao tiếp, sao cho thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh. Kích thích tính
sáng tạo, say mê trong học tập nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học thông qua kỹ năng quan trọng này./.
ThS Hà Thị Vui
Trưởng khoa Xây dựng
Đảng
------------------------------
Chú thích ảnh bìa:
Giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh trong một tiết học tại trường.
Ảnh: Hải Yến -
ĐT.