Hồ Ba Bể là
một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới và là “viên ngọc xanh của
nhân loại”, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số
1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm phát huy tối đa tiềm
năng du lịch Hồ Ba Bể, cùng góp phần xây dựng ngành du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Bắc Kạn đang tập trung phát triển Khu du lịch hồ Ba
Bể trở thành khu du lịch cấp quốc gia.
Hồ Ba Bể có diện tích mặt
hồ rộng khoảng 500 ha, chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất gần 2km, chỗ
sâu nhất là 35m, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể.
Điểm đặc biệt là hồ nằm trên núi đá vôi, quanh năm nước trong xanh, hàm chứa đa
dạng sinh học cả trên cạn và dưới nước, với một vẻ đẹp kỳ vĩ, tạo ra hơn 20 điểm
tham quan, du lịch. Hồ Ba Bể được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan
trọng quốc tế thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Đây là
địa chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm lý tưởng với khí hậu trong lành, mát
mẻ, cảnh hồ nước trong xanh, núi non hùng vĩ, con người thân thiện; là khu du lịch
trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn với tiềm năng
lớn để phát triển đa dạng các hình thức du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ
dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá…
Những năm
gần đây, du lịch Hồ Ba Bể được tỉnh Bắc Kạn chú trọng đầu tư, từng bước hoàn
thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật, hình thành hệ thống các cơ sở
lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, thể thao và các cơ sở dịch vụ đồng bộ
khác… đã dần hình thành một Khu du lịch hồ Ba Bể phát triển. Các sản phẩm du lịch
ngày càng đa dạng, lượt khách du lịch đến với Hồ Ba Bể ngày càng tăng. Công tác
bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống vùng Hồ Ba Bể cũng được tỉnh quan tâm
đầu tư, góp phần cho sự tăng trưởng và phát triển của tỉnh nhà.
Tuy nhiên,
du lịch Hồ Ba Bể đến nay vẫn chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng, lợi thế
sẵn có. Lượng khách du lịch hằng năm còn thấp, chưa đạt kỳ vọng. Công tác quản lý du lịch, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường khu
du lịch Ba Bể còn hạn chế. Hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu
cầu ngày càng cao của du khách. Cơ sở lưu trú chất lượng thấp, chưa có tính kết
nối, một số nơi phát triển tự phát, quy mô nhỏ. Dịch vụ vui chơi giải trí,
thương mại phục vụ và giữ chân du khách chưa đa dạng; chất lượng phục vụ chưa
cao. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên
chủ yếu là do kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của
tỉnh chưa thực sự thuận lợi. Tỉnh chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư đủ mạnh để
thu hút các nhà đầu tư lớn. Nguồn nhân lực trong ngành du lịch còn thiếu và
chưa đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ. Việc đầu tư cho hạ tầng du lịch còn ít;
sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ.
Nhận thấy rõ những “điểm nghẽn”
và để đấy mạnh phát huy lợi thế của du lịch Hồ Ba Bể trong những năm tới, tỉnh
Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh, phát
huy tiềm năng du lịch Hồ Ba Bể. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ
XII xác định một trong những chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là
“Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể”. Ngày 12 tháng 8 năm 2021, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số
18-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030,
mục tiêu là phấn đấu đưa khu du lịch hồ Ba Bể thành khu du lịch quốc gia vào
năm 2025. Ngày 06 tháng 6 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban
hành Quyết định số 981/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể
thành khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng
thời, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm
2030 đón được 1,0 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2035 đón được khoảng 1,35
triệu lượt khách; đến năm 2050 đón được khoảng 2 - 2,5 triệu lượt khách. Đảm bảo
cung cấp đầy đủ và chất lượng các cơ sở vật chất phục vụ cho du khách bao gồm
khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe; mục
tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 01 khách sạn 4 sao, tối thiểu 01 nhà hàng công
suất trên 500 chỗ, 100% các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đảm bảo việc bảo vệ và bảo tồn môi trường trong lành, bảo vệ các tài nguyên du lịch,
100% các cơ sở dịch vụ được cấp nước sạch,100% các cơ sở dịch vụ được cấp điện
lưới quốc gia, 100% các điểm tham quan có bố trí nhà vệ sinh công cộng. Hình
thành được bộ máy Ban quản lý Khu du lịch quốc gia trực thuộc tỉnh. Hoàn thiện
hạ tầng giao thông và viễn thông để kết nối khu du lịch với hệ thống giao thông
và viễn thông quốc gia cũng như các khu vực lân cận.
Theo đó, tỉnh Bắc Kạn tập trung thực
hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; về công tác quản lý du
lịch; về quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật; về
phát triển thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch; về hợp tác, liên kết trong
phát triển du lịch; về đào tạo bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; về xúc
tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; về ứng dụng khoa học công nghệ trong phát
triển du lịch; về bảo vệ tài nguyên và môi trường; về giáo dục nâng cao nhận
thức, đổi mới tư duy, khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch;
về đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Các nhóm dự án đầu tư sẽ tập trung vào
công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch; bảo vệ tài nguyên
du lịch; phát triển dịch vụ và sản phẩm du lịch; tuyên truyền quảng bá du lịch;
tăng cường quản lý nhà nước và phát triển nguồn nhân lực.
Với sự quyết tâm của toàn hệ thống
chính trị và đặc biệt là các tổ chức, cá nhân trực tiếp làm công tác du lịch
tại Khu du lịch Hồ Ba Bể, hy vọng rằng tỉnh Bắc Kạn sẽ phát huy được tối đa những
lợi thế về tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người nơi đây, phát triển Khu du
lịch Hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia trong thời gian sớm nhất, mang lại
nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.
ThS Nguyễn Hải Yến
Giảng viên, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
Chú thích ảnh đại diện: Một góc Hồ Ba Bể