trang chủ
TỈNH BẮC KẠN TIẾN HÀNH KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa trung tâm căn cứ địa Việt Bắc. Đồng bào nơi đây vốn có truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm. Đặc biệt, từ khi ánh sáng cách mạng chiếu rọi tới Bắc Kạn, đông đảo nhân dân các dân tộc đã tham gia Mặt trận Việt Minh, cùng toàn dân chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, góp phần quan trọng vào những thắng lợi tiếp theo trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Năm 1943, Chi Bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn và lấy tên là Chi bộ Chí Kiên. Tại thời điểm đó, Thực dân Pháp tăng cường lính khố xanh, lính dõng để tiến hành truy lùng, vây bắt cán bộ, khủng bố quần chúng cách mạng, chúng tiến hành dồn dân trên quy mô lớn nhằm cô lập cán bộ, đảng viên đối với quần chúng. Hậu quả, làm cho phong trào đấu tranh ở Bắc Kạn gặp nhiều tổn thất. Đối phó lại tình hình, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo gấp rút tiến hành xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Đặc biệt, ngay sau đêm 9/3/1945, Nhật nổ súng hất cẳng Pháp nhằm độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ngày 12/3/1945 ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khi đó, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng tuy chưa liên lạc được với Trung ương, nhưng nhận thấy đây là thời cơ “ngàn năm có một” nên đã họp và ra nghị quyết. Trong đó, nhấn mạnh: Đánh đổ chế độ thống trị của Pháp ở hương thôn, rồi tùy nơi sẽ thành lập chính quyền nhân dân từ cấp xã đến cấp châu, huyện, phủ đến cấp tỉnh. Quán triệt chủ trương trên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức cứu quốc đã tổ chức nhân dân các dân tộc Bắc Kạn chớp thời cơ vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Tại Ngân Sơn, Thực dân Pháp và tay sai hoang mang, lo sợ do Nhật tiến hành đảo chính nên vội vã rút khỏi đồn Kéo Lẻng và Bằng Khẩu, chính quyền tay sai từ huyện đến xã hầu như tê liệt. Đến ngày 21/3/1945, 16 xã thuộc Ngân Sơn đã được giải phóng, nhân dân ta đã giành được chính quyền từ tay địch.

 Phía Bắc Chợ Rã, ngày 19/3/1945, Tự vệ Cao Minh phối hợp với lực lượng vũ trang khu Thiện Thuật đã chặn đánh địch quyết liệt, buộc chúng phải đầu hàng, quân ta thu được 30 súng các loại. Ngày 23/3/1945, châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng, đến tháng 4/1945 các xã thuộc năm tổng: Thượng Giáo, Nam Mẫu, Quảng Khê, Hà Hiệu, Giáo Hiệu đã thành lập chính quyền cách mạng cấp xã và tổng. Tại Bản Bẳng (xã Nghĩa Tá), ngày 28/3/1945, Hội nghị cán bộ đảng viên hoạt động ở Chợ Đồn và Ủy ban Việt Minh châu đã quyết định khởi nghĩa, đến ngày 30/3/1945, phần lớn châu Chợ Đồn được giải phóng. Phía Bắc Bạch Thông, các cuộc mít tinh được tổ chức công khai tại các xã Vi Hương, Quân Bình, Lục Bình, Hà Vị diễn ra mạnh mẽ. Vận động nhân dân vùng dậy xóa bỏ chính quyền địch, đến tháng 7/1945, công cuộc giành chính quyền đã cơ bản hoàn thành. Tại Na Rì, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/1945, khi các cán bộ chiến sĩ giải phóng quân được phân công về các xã tuyên truyền vận động quần chúng. Đến cuối tháng 4/1945 các xã đã thành lập xong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tháng 7/1945, Hội nghị đại biểu nhân dân các dân tộc toàn châu đã được triệu tập tại Yến Lạc, cử ra Ủy ban nhân dân lâm thời châu Na Rì. Như vậy, từ tháng 3 đến tháng 7/1945, cuộc đấu tranh giành chính quyền ở tất cả các huyện trong tỉnh đã giành được thắng lợi và thành lập các Ủy ban nhân dân lâm thời để tiếp tục đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Riêng ở thị xã Bắc Kạn, ngày 14/8/1945 sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, quân giải phóng đã bao vây địch ở thị xã Bắc Kạn. Quân Nhật hoang mang tột độ muốn điều đình với ta để rút lui. Nhằm tránh đổ máu không cần thiết, Ban Chỉ huy đơn vị giải phóng quân bao vây địch ở thị xã đồng ý gặp bộ chỉ huy chiếm đóng của quân Nhật ở Bắc Kạn. Theo thỏa thuận, sáng 20/8/1945, đại diện Việt Minh tỉnh Bắc Kạn và chỉ huy Quân giải phóng gặp chỉ huy quân Nhật. Về phía ta, nói rõ chủ trương, chính sách nhân đạo của Việt Minh khi quân Nhật bại trận và yêu cầu chúng nộp vũ khí, kho tàng, công sở và ta đồng ý cấp cho Nhật một số lương thực, thực phẩm, ngừng các việc tiến công để chúng rút về Thái Nguyên, Hà Nội. Về phía Nhật, chúng hứa không can thiệp vào công việc nội bộ của ta, bàn giao bộ máy tay sai cấp tỉnh cùng toàn bộ kho tàng gồm 21 vạn đồng tiền Đông Dương, 180 khẩu súng, 500 két đạn… Ngày 23/8/1945, Đảng bộ tỉnh đã triệu tập Hội nghị cán bộ tại Phủ Thông quyết định công tác khẩn cấp và thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Bắc Kạn. Ngày 25/8/1945, đại diện Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố chính thức xóa bỏ chính quyền địch ở Bắc Kạn, chính quyền cách mạng đã được thành lập.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Kạn không chỉ mở ra thời kỳ mới - thời kỳ đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn ở thị xã, châu, huyện làm chủ vận mệnh của mình, mà còn là một minh chứng rõ nét, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến nay, 80 mùa thu đã trôi qua, nhưng những trang sử vẻ vang, hào hùng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhất là thế hệ trẻ hôm nay luôn hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về giá trị đích thực của hòa bình đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, trong công tác, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn thêm vững mạnh… sự nỗ lực đó như lời biết ơn và tri ân sâu sắc đến thế hệ những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

       ThS Nguyễn Ngọc Minh

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tài liệu tham khảo

1. Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, tập 1 (1942 - 1975). 

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, tập I, Nxb CTQG, H.2000.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 86
  • Trong tuần: 1 381
  • Tất cả: 190469

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT