trang chủ
ĐỘC ĐÁO ĐIỆU MÚA BÁT CỦA NGƯỜI TÀY BẮC KẠN

Múa bát hay còn gọi “mủa pát” là nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày tỉnh Bắc Kạn, thể hiện sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ trong lao động, đồng thời, thể hiện niềm vui sống, lạc quan và tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Ghi nhận những giá trị to lớn mà điệu dân vũ này mang lại cho đời sống cộng đồng, năm 2022, điệu múa bát của người Tày Bắc Kạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là điều kiện để múa bát - điệu múa độc đáo được lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đồng bào Tày tỉnh Bắc Kạn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung.

Múa bát đã được đồng bào Tày lưu truyền qua nhiều thế hệ hàng trăm năm nay, mô phỏng hoạt động ươm tơ, dệt vải của người phụ nữ Tày từ xa xưa. Chiếc bát tượng trưng cho dụng cụ ươm tơ, đôi đũa tượng trưng cho que khuấy tơ và những động tác múa uyển chuyển mô phỏng nhịp nhàng quá trình ươm tơ, dệt vải. Điệu múa bát thường được biểu diễn từ 4 đến 8 người phụ nữ dân tộc Tày, trang phục truyền thống đơn giản, mộc mạc với áo dài, áo ngắn, váy (hoặc quần), thắt lưng và khăn vuông quấn đầu được làm bằng vải dệt từ sợi bông, nhuộm màu chàm. Đi kèm là vòng đeo cổ, vòng đeo tay và bộ xà tích gắn trên thắt lưng được làm bằng bạc trắng. Nhạc cụ chính cho điệu múa là chiếc bát và đôi đũa. Các nghệ nhân cầm bát và đũa bằng cả hai tay, di chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc, tạo nên những hình ảnh đẹp mắt và đầy sức sống.

Theo thời gian, điệu múa bát không chỉ đơn thuần là mô phỏng công việc ươm tơ, dệt vải mà còn trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo, thể hiện niềm vui sống, sự lạc quan và tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Tày. Điệu múa thường được biểu diễn trong các dịp Tết, lễ hội dân gian truyền thống, chợ phiên hay các sự kiện văn hóa quan trọng v.v...

anh tin bai

Các nghệ nhân biểu diễn múa bát tại Lễ hội Lồng tồng Ba Bể năm 2024

Ảnh: Báo Bắc Kạn

Trải qua những thăng trầm lịch sử, múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được lưu truyền, bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, các lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương. Ở một số huyện như Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, để thể hiện lòng mến khách của mình, đồng bào Tày làm du lịch nơi đây đã biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc, trong đó có múa bát để chào đón khách phương xa mỗi khi đến thăm quan. Trên những homestay nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát như thanh âm vui nhộn của cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Tày hôm nay… Chính những điều đó, đã tạo điều kiện cho “múa bát” tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, những năm qua, việc bảo tồn điệu múa bát cũng còn gặp một số khó khăn. Những người am hiểu sâu sắc, đầy đủ về múa bát ở địa phương đã cao tuổi, lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; hệ thống các phương tiện nghe nhìn ngày càng đa dạng, phong phú đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho những giá trị văn hóa hiện đại nhiều hơn,... Theo đó, văn hóa dân gian, trong đó có dân vũ dân tộc ngày càng mất đi những giá trị nguyên bản. Trước tình hình đó, các cấp, ngành văn hóa của địa phương đã có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch như thành lập nhiều đội văn nghệ, câu lạc bộ về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền, trong đó có điệu múa bát. Đồng thời, các nghệ nhân cũng được khuyến khích truyền dạy điệu múa cho thế hệ trẻ, v.v… Nhờ những nỗ lực này, điệu múa bát được biết đến rộng rãi hơn và trở thành một điểm nhấn văn hóa độc đáo của tỉnh Bắc Kạn.

Năm 2024, một trong những sự kiện quan trọng được tổ chức tại Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn (27/4 - 03/5/2024) đó sự kiện Ngày hội múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn”. Với chủ đề “Bắc Kạn sáng ngời ánh sao”, màn múa bát gồm 03 phần: Chập căn Bắc Kạn (Gặp gỡ Bắc Kạn), Pát Thú lỉn hội (Ngày hội múa bát) và Bắc Kạn bấu lừm (Bắc Kạn không quên) với sự tham gia của 1.000 người đến từ các huyện, thành phố và các em học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây là sự kiện quan trọng nhằm quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “múa bát” của người Tày tỉnh Bắc Kạn gắn với hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh. Đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày tỉnh Bắc Kạn trong đời sống hiện đại.

anh tin bai

Biểu diễn tiết mục múa bát quy mô 1.000 người tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Ảnh: Báo Bắc Kạn

Múa bát là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Tày Bắc Kạn, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của điệu múa này có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và thu hút du lịch cho địa phương. Với việc truyền dạy, quảng bá và lan tỏa, Bắc Kạn đã đưa múa bát trở thành biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng các dân tộc trong toàn tỉnh./.

CN Đào Thị Vân

Chuyên viên, Phòng TC,HC,TT,TL

 

Chú thích ảnh đại diện: Biểu diễn tiết mục múa bát quy mô 1.000 người tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024

Ảnh: Báo Bắc Kạn

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 141
  • Trong tuần: 1 436
  • Tất cả: 190524

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT