TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÔN GIÁO VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HIỆN NAY
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan
tâm đến vấn đề tôn giáo, chính sách tôn giáo nhằm xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo đó, Người
yêu cầu nội dung cốt lõi của tôn giáo là: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
nhân dân; đoàn kết lương - giáo, hòa hợp dân tộc.
Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
- Tôn trọng quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tư tưởng thống nhất và xuyên suốt cuộc đời hoạt động
cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó, được thể hiện rõ chỉ sau một ngày khai sinh
ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của
Hội đồng Chính phủ, Người đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính
sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị
Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Tiếp đến, ngày 14 tháng 6
năm 1955, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234 về vấn đề tôn giáo, quy định chi tiết
và cụ thể quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây có thể coi là đỉnh
cao trong việc thể chế hóa tư tưởng của Người về vấn đề tôn giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gắn việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín
ngưỡng của Nhân dân với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Theo Người, “Không
tách rời bổn phận kính chúa của người Công giáo với bổn phận yêu nước của người
công dân”. Đặc biệt, trong điều kiện của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí
Minh còn chỉ ra rằng: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân chỉ được thực
hiện khi nước nhà được độc lập. Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự
do nên chúng ta phải làm cho nước nhà độc lập đã. Làm cho nước nhà được độc lập
chính là hành động, là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân; trong đó, bao gồm
cả đồng bào có đạo. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng cũng phải đồng thời chống lại việc lợi
dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ các mục đích phi tôn giáo và
bài trừ các hiện tượng mê tín dị đoan trong các tôn giáo. Việt Nam là một quốc
gia đa dân tộc, đa tôn giáo, thực dân Pháp từ chỗ lợi dụng tôn giáo để xâm lược
nước ta, rồi từ đó tìm mọi cách để chia rẽ
dân tộc để dễ bề thống trị. Vì vậy, Người đã đề ra chính sách đoàn kết lương
giáo để chống lại âm mưu của kẻ thù, chính sách này nằm trong chiến lược đại
đoàn kết dân tộc và trở thành chiến lược lâu dài của cách mạng Việt Nam.
- Về vấn đề đoàn
kết lương giáo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lương là để chỉ những người không
theo tôn giáo, còn Giáo là chỉ những người theo tôn giáo. Đoàn kết lương giáo
là đoàn kết giữa những người có tôn giáo với những người không theo tôn giáo.
Theo Người, muốn làm cách mạng thắng lợi phải đoàn kết, tập hợp được tất thảy mọi
tầng lớp nhân dân. Thế giới quan của những người cộng sản và thế giới quan của
những người có tín ngưỡng, tôn giáo là trái ngược nhau, song không vì thế mà
tuyên chiến, bài xích, nghi kỵ và đối đầu. Ngược lại, phải đoàn kết đấu tranh
chống kẻ thù chung của dân tộc, làm cho Tổ quốc độc lập, tôn giáo được tự do. Từ
đó, Người chỉ rõ: "Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng
chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do"(1) và
"Những xích mích nhỏ giữa một số đồng bào, tuy là đáng tiếc, vì đạo đức
giáo hóa chưa được phổ cập, không thể động chạm đến sự đại đoàn kết của chúng
ta"(2). Người căn dặn, đảng viên phải hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước để đoàn kết
tôn giáo, cùng kháng chiến, kiến quốc: Chúng ta, ai nấy đều vì quốc gia,
dân tộc, chớ không phải vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất luận thế nào, chúng ta
cũng phải đoàn kết. Chúng ta có thể nói được rằng đồng bào trong nước đã đoàn kết
rồi; các đảng, các phái, các đoàn thể, tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc đều
đã đoàn kết rồi”.
Rõ ràng, đoàn kết
đồng bào các tôn giáo với đồng bào không tín ngưỡng, tôn giáo là để đấu tranh bảo
vệ độc lập tự do cho Tổ quốc và đoàn kết không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo
vì lợi ích của dân tộc. Nhờ nêu cao tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân
tộc nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp xung quanh mình nhiều giáo sĩ, giáo dân
hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước. Đồng thời, Người cũng kêu gọi đồng
bào Công giáo phải cảnh giác, tỉnh táo chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ địch. Bởi
vậy, việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết lương giáo là vô cùng cần thiết.
Người viết: "Trong khi bọn thực dân Pháp
và can thiệp Mỹ tìm mọi cách chia rẽ lương giáo, hòng cướp nước ta, thì việc
đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo để cứu nước, cứu dân là vô cùng cần thiết"(3).
Đoàn kết tốt thì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người mới giành
thắng lợi.
Sự vận dụng linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện
nay
Trên cơ sở vận dụng
linh hoạt, sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
về tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
Nhân dân và kêu gọi các tôn giáo đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân
tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Điều đó, được thể hiện rõ nét trong bản
Hiến pháp năm 1946: Tất cả các công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng.
Sau này, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính sách của Đảng và Nhà
nước ta đã thể hiện sự nhất quán trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của
nhân dân. Luôn gắn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo với xây dựng khối đại đoàn kết
dân tộc thông qua các nghị quyết và các văn bản pháp luật. Đặc biệt, tại Hội
nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Đảng đã ra nghị quyết riêng về
công tác tôn giáo, xác định rõ phương hướng, mục đích cơ bản của hoạt động tôn
giáo và công tác tôn giáo là: “Nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo
trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”4.
Bên cạnh việc tôn
trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta cũng kiên quyết chống
lại các hành vi lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, nhằm chia rẽ khối đại
đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước. Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng
định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các
tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý
nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ
xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân
tộc”5. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong những
năm qua đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo xây dựng đường hướng hành đạo,
hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn
bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng
cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành,
các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng
và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các
vùng đồng bào tôn giáo.
Đây chính là kết quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo trong quá trình đấu tranh giành độc
lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.
Chú thích:
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, Tập 5, Tr.373.
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2002, Tập 5, Tr.44.
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, Tập 6, Tr.589.
- Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. CTQG, H. 2003, Tr.48.
- Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, Tr.171.
CN Nông Thị Thanh Hường
Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở