TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lênin về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội vào thực tiễn Việt Nam. Ngay từ những năm 1924, Người đã xác định phải đưa cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp giải phóng giai cấp gắn với giải phóng dân tộc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội và chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Đồng thời, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cụ thể:

Về chính trị: Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chế độ chính trị phải là chế độ chính trị dân chủ, do nhân dân lao động là chủ và làm chủ; Nhà nước là của dân, do dân và vì dân dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhà nước xã hội chủ nghĩa chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, phải phát huy quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân. Đồng thời, phải chuyên chính với thiểu số bọn phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về kinh tế: Chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Về văn hóa - xã hội: Chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức, trong đó người với người là bạn bè, là đồng chí, là anh em, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, có cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú, được tạo điều kiện để phát triển hết khả năng sẵn có của mình. Chủ nghĩa xã hội là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do, là đoàn kết, vui vẻ.

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng, hợp lý, thực hiện chế độ phân phối theo lao động; có quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc trong nước, miền núi được giúp đỡ để tiến kịp miền xuôi; quan hệ hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.  

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) các câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì” “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là một xã hội như thế nào” đã được trả lời một cách có hệ thống. Cương lĩnh đã đưa ra 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, đó là: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Có thể thấy, đây là những đặc trưng bản chất để nhận biết về chủ nghĩa xã hội, phần nào làm rõ mục tiêu và động lực của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến Đại hội X, tổng kết 20 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhận thức sâu sắc hơn về bản chất  của chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng. Mục đích của chủ nghĩa xã hội đã rõ nét hơn, cụ thể hơn, xác định hơn. Các đặc trưng so với Cương lĩnh năm 1991 có sự điều chỉnh về câu từ và bổ sung thêm 2 đặc trưng mới, đó là: “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.

Kế thừa quan điểm của Đại hội lần thứ X, Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011) tiếp tục bổ sung, phát triển Cương lĩnh và xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”1. Nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị xã hội  ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Điều đó, càng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

CN Nông Thị Thanh Hường

Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở

Chú thích:

(1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70.

(2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 149
  • Trong tuần: 1 175
  • Tất cả: 165800

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT