GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG LỄ HỘI LỒNG TỒNG PHỦ THÔNG, HUYỆN BẠCH THÔNG, TỈNH BẮC KẠN
Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông là lễ hội mở
màn vào mùa xuân, khởi đầu của năm mới, những ngày tổ chức lễ hội,
người dân cùng nhau xuống đồng và tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tạo
nên một không gian văn hóa đặc sắc, có ý nghĩa cầu cho một năm mới an lành,
mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, đời sống của người dân được ấm no, hạnh
phúc. Lễ
hội Lồng tồng được tổ chức vào đầu tháng Giêng
hằng năm, đây loại hình lễ hội mang đậm
dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp, gắn với phương thức canh
tác trồng lúa nước của nhân dân các dân tộc. Trong những năm gần đây việc
tổ chức lễ hội đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần không nhỏ trong việc
gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc địa
phương.
Lồng
tồng, dịch theo nghĩa tiếng Tày, Nùng nghĩa là “xuống đồng”. Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông,
huyện Bạch Thông là một trong hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn thu hút đông
đảo du khách từ các địa phương và một số vùng lân cận. Hằng năm, Ban Tổ chức lễ hội đã xây dựng
kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo lễ
hội diễn ra an toàn, vui vẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Khác biệt lớn nhất với các lễ hội Lồng tồng
trong tỉnh, ngoài ý nghĩa cầu an, cầu mùa trong phần lễ, thì lễ hội Lồng tồng
Phủ Thông có dấu ấn riêng về yếu tố tâm linh. Các lễ hội khác thường gắn với
tín ngưỡng thờ cúng thần linh, siêu nhiên, còn lễ hội Lồng tồng Phủ Thông lại gắn
với sự kiện, nhân vật lịch sử có thật, bắt nguồn từ việc thờ cúng vị
quan họ Dương (sau được nhân dân tôn là thánh) được triều đình cử đến giúp nhân
dân địa phương đánh đuổi cướp, thổ phỉ và tử trận tại cánh đồng Nà Phải. Vì vậy,
người dân địa phương đã lập đền thờ và tổ chức rước vị thánh họ Dương vào đền
ngày 19 tháng Giêng, sau đó tổ chức vui hội xuân vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch
hằng năm.
Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được phục dựng
và tổ chức trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống vốn có của
dân tộc Tày - Nùng. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ mở đầu bằng
nghi lễ truyền thống cúng giỗ vị thánh họ Dương và các vị thần linh tại Đền Slấn
Slảnh (được công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2023). Lễ vật dâng cúng là những
sản vật nông nghiệp của người dân địa phương nuôi trồng như xôi, gà luộc, lợn
quay, bánh chưng, bánh giầy, hoa quả… Phần
hội,
trước giờ khai hội các nam thanh, nữ tú rước lễ từ Đền Slấn Slảnh về khu vực tổ
chức lễ hội là cánh đồng Nà Liền Mạ tại thị trấn Phủ Thông. Mùa lễ hội năm 2025, Ban Tổ
chức lễ hội đã phục dựng và đưa nghi lễ truyền thống là màn múa sluông chầu đặc sắc với hơn
120 nghệ nhân và học sinh tham gia biểu diễn. Múa sluông chầu, còn gọi là múa
chầu then, là một phần quan trọng trong thực hành diễn xướng Hát Then đàn tính
và được dùng chủ yếu trong các buổi nghi lễ, cấp sắc, cầu an, cầu mùa, chúc thọ…
Đây là màn múa đặc sắc có sự kết hợp giữa các động tác múa mô phỏng các nghi lễ,
nghi thức cầu, khấn, ban phát lộc. Các động tác nhịp nhàng, uyển
chuyển với âm nhạc truyền thống không chỉ tái hiện nghi thức thiêng liêng mà
còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.Với mục tiêu khôi phục lại
những giá trị văn hóa, nhiều hoạt động được
quan tâm, tổ chức hấp dẫn sôi nổi, đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại
như giải bóng chuyền nam và các trò chơi dân gian Tung
còn, kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, nhảy sạp. Liên hoan dân ca dân vũ;
trình diễn trang phục dân tộc; thi ẩm thực các món ăn đặc sản địa phương; hội
trại thanh niên gắn với trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Các hoạt động
này đều mang lại màu sắc tươi mới, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du
khách đến vui hội xuân. Thông qua các hoạt động của lễ hội, nhiều sản phẩm nông
nghiệp, ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương được giới thiệu và tiêu thụ;
trang phục, ngôn ngữ dân tộc, các nét đặc sắc văn hóa văn nghệ (hát then đàn tính,
múa sluông chầu) được quảng bá, giới thiệu, giữ gìn và phát
huy, giúp tạo nên sức hấp dẫn cho kinh tế, thúc đẩy sản xuất hàng hóa của địa
phương phát triển.

Nghi thức cầu an tại Lễ hội do thầy Tào Triệu Văn Thêm hành lễ
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn
Trong những năm qua, việc tổ
chức lễ hội Lồng tồng Phủ Thông đã góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn
hóa truyền thống của người Tày - Nùng một cách thiết thực, nâng cao đời sống văn hóa
tinh thần của nhân dân. Qua đó, giáo dục các thế hệ trẻ về lịch
sử
truyền thống, văn hóa cộng đồng và hướng đến sự trải nghiệm,
mang lại dấu ấn về bản sắc của các dân tộc cho người dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,
việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa trong lễ hội Lồng tồng Phủ Thông
hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: Công tác quản lý, kiểm soát
việc chấp hành nội quy, quy định của lễ hội chưa thực sự chặt chẽ, nhiều hoạt động
đơn thuần mang mục đích kinh doanh, thương mại, chưa hướng tới việc phát huy những
giá trị văn hóa truyền thống vốn có của địa phương, số ít cá nhân lợi dụng lễ hội để
trục lợi qua việc mua bán các gian hàng, bán hàng kém chất lượng. Một
số
giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nguyên gốc của lễ hội xưa hiện vẫn chưa
khôi phục được hết. Việc phục dựng các hoạt động
của lễ hội chủ yếu dựa vào lời kể của các nhân chứng và tham vấn ý kiến các nhà
nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu về lễ hội chứ chưa được tìm thấy trong
tài liệu lịch sử. Các trò chơi dân gian đã được khôi
phục và tổ chức tương đối đa dạng nhưng chưa thực sự thu hút được đông đảo người
dân, chưa phát huy được hết vai trò là phương tiện để giáo dục tình đoàn kết, sự
gắn kết cộng đồng cho nhân dân. Người dân tham gia lễ hội chủ
yếu đến
xem biểu diễn chứ chưa phải với tư cách chủ thể lễ hội. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng
nhân dân hiểu rõ về giá trị truyền thống của lễ hội đã được thực hiện nhưng còn nhiều hạn chế.
Từ đó dẫn tới thái độ thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia lễ hội,
nhất là trong thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường
tại khu vực tổ chức lễ hội.

Màn trình diễn múa sluông chầu của dân tộc Tày do 120 nghệ nhân, học sinh biểu diễn
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn
Để tiếp tục gìn giữ và phát
huy nét đẹp văn hóa trong lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, trong thời gian tới cần
thực hiện một số nội dung:
Thứ
nhất, tiếp tục tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu tư liệu lịch
sử, phục dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống nguyên bản của lễ hội
trên cơ sở các tài liệu lịch sử và kết quả những tài liệu đã được nghiên cứu,
lưu trữ trước đó. Tuyên truyền, tổ chức các đa dạng các
hoạt động để thu hút người dân tham gia với vai trò chủ thể của lễ hội
bởi trên thực tế, người dân là người sáng tạo lễ hội, giữ gìn các giá trị truyền
thống của lễ hội đồng thời trao truyền các vẻ đẹp của lễ hội cho các thế hệ tiếp
sau.
Thứ
hai, tăng cường công tác tuyên
truyền nội quy, quy định của lễ hội đến người dân; thực hiện
thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội để ngăn chặn và xử lý
kịp thời theo thẩm quyền các hiện tượng trục lợi từ lễ hội, về kinh doanh dịch
vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ
ba, tiếp tục tìm
hiểu, nghiên cứu, phục dựng, tổ chức nhiều trò chơi dân gian trong lễ hội để người dân và du khách
tham gia trải nghiệm. Đồng
thời đề
xuất chính sách hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các trò chơi dân gian. Phát huy tính sáng tạo, vai
trò của các nghệ nhân trong công tác gìn
giữ, khôi phục và phát triển trò chơi dân gian gắn
với
chiến lược phát triển du lịch.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên
truyền, quảng bá, giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội nói
chung trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần anh dũng kiên cường chống
giặc ngoại xâm; cần cù chăm chỉ trong lao động sản xuất; đoàn kết, thân ái
trong ứng xử cộng đồng và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội nói
riêng. Nâng cao ý thức của người dân và du khách khi tham gia lễ hội, bảo đảm để không
gian tổ chức lễ hội luôn sạch, an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách gần
xa, từ
đó góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục, quảng bá,
phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của
địa phương./.
ThS Bùi Thị Phong Huyền
Chuyên viên, Phòng QLĐT&NCKH
Chú thích ảnh đại diện: Đồng chí Hà Kim Oanh - Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông đánh trống khai hội
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn