trang chủ
TÌM LẠI DẤU CHÂN NGƯỜI TRÊN QUÊ HƯƠNG BẮC KẠN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận rất nhiều công việc của đất nước nhưng Người vẫn luôn dành thời gian để đến tận nơi động viên, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ cả nước và Bắc Kạn là một trong những tỉnh vinh dự được đón tiếp Bác.

Theo sử liệu(1), ngày 16/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bắc Kạn (một ngày sau khi đi thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) và nói chuyện với Ban Giám đốc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và các chuyên gia Liên Xô làm việc tại mỏ, nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, học tập, sản xuất của cán bộ và công nhân...). Cùng đi với Bác lên thăm đồng bào Bắc Kạn có Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trần Đại Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và hai anh hùng lao động. Tại đây, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với hơn 700 cán bộ tỉnh, huyện, xã về những nội dung cơ bản, như về: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; công nghiệp, nông nghiệp; về Đảng; kỷ luật lao động; đoàn kết; thực hành tiết kiệm,... (Tiếp kỳ 2)

Kỳ 3: Bác nói về Đảng, về chấp hành kỷ luật lao động và đoàn kết

* Bác nói về Đảng: Đảng là gì? Đảng có phải để làm Chủ tịch, để làm quan không? Đảng là để phục vụ nhân dân, lãnh đạo nhân dân. Đảng là nhiều đảng viên nhóm lại thành Đảng. Đảng viên phải có trách nhiệm đoàn kết, giáo dục, lãnh đạo nhân dân. Lúc kháng chiến thì đánh giặc, bây giờ thì tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Mười bảy đảng viên, mới có hai vào tổ đổi công, hai mươi mốt đoàn viên mà chưa có ai vào tổ cả. Những đảng viên đó, đầu thì vào đảng, chân thì vẫn ở ngoài. Cán bộ trong hoặc ngoài Đảng đều là người của Đảng. Chúng ta phải gương mẫu phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội.

... Số đoàn viên phải gấp đôi đảng viên, thì đảng mới có lực lượng mạnh, vì đoàn là cánh tay phải của Đảng. Tỉnh ta có 1.800 đảng viên mà mới có 1.400 đoàn viên. Đoàn viên chưa gấp đôi như vậy là cánh tay phải bị què. Phong trào còn kém là vì đảng viên, đoàn viên tham gia tổ đổi công còn ít, nên sản xuất kém, do đó  xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giành thống nhất nước nhà cũng còn kém.

* Bác nói về chấp hành kỷ luật lao động

Chúng ta làm gì cũng phải có kỷ luật, kỷ luật phải nghiêm minh dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác của mọi người. Bộ đội ta chiến thắng địch, phần lớn là nhờ kỷ luật nghiêm minh; nói đánh là đánh, bảo qua sông là qua sông, không ngần ngại. Bây giờ phải có kỷ luật lao động. Kỷ luật không phải riêng Bác đặt ra, hay người nào đặt ra, mà là Chính phủ, nhân dân đặt ra. Như công nhân viên chức phải làm 8 tiếng một ngày thì làm cho đủ 8 tiếng; làm việc phải có năng suất cao. Có một số các cô, các chú hay đi muộn về sớm, giờ hành chính thì xem báo, xem tiểu thuyết. Có người không yên tâm công tác, hay tính toán cá nhân, chưa hết lòng hết sức phục vụ nhân dân? ví dụ sức là 100% nhưng hay nghỉ ngơi, tính toán kèn cựa nhau, như lương mới vừa qua, các cô, các chú họp hàng tháng mới xong. Thế là tính toán riêng cho mình một số ít thời gian, như vậy là chưa được 100%.

Chúng ta phải chấp hành cho đúng kỷ luật lao động. Mọi người phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Mọi công việc phải bàn bạc kỹ lưỡng, phân công trách nhiệm, ai làm gì, làm mấy việc, kiêm nhiệm mấy việc, rồi in ra mỗi người một bản chức trách công tác, ai làm đúng thì khen, ai làm sai thì kỷ luật. Có như thế mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

* Bác nói về đoàn kết

Tỉnh ta có nhiều dân tộc khác nhau, trước cách mạng tháng Tám bọn đế quốc phong kiến gây chia rẽ, thù hằn lẫn nhau giữa các dân tộc. Chúng gặp người Tày, người Nùng thì nói xấu người Mán (Dao). Khi chúng gặp người Mán thì nói xấu người Tày, người Nùng. Khi gặp người Kinh thì lại nói xấu người Tày, Nùng, Mán... Mục đích là chia rẽ dân tộc ta để chúng dễ cai trị, nên chúng tìm mọi cách để xui người Kinh đánh người thiểu số, xui người Tày đánh người Mán, xui người Mán ghét người Tày, Kinh, Nùng...Bây giờ thì khác hẳn. Trong cách mạng các dân tộc đoàn kết tương trợ lẫn nhau, trong kháng chiến lại càng đoàn kết tương trợ, nên cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Bước sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa càng có nhiều khó khăn, chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết hơn nữa giữa cán bộ và cán bộ, giữa cán bộ và nhân dân, giữa đồng bào với đồng bào, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc...

Nếu ta để các ngón tay nó tách ra như thế này (Bác giơ 5 ngón tay xòe ra) thì dễ bị bẻ gãy. Nhưng ta nắm chặt lại như thế này (Bác nắm tay lại) nếu kẻ địch đụng vào bẻ, thì lập tức... cái này (Bác đưa mạnh nắm đấm về phía trước, đồng thời nói) thụi ngay tức thời. Các cô, các chú và đồng bào tỉnh nhà có quyết tâm tiến lên chủ nghĩa xã hội không? Cả hội trường đồng thanh đáp: Quyết tâm!

Những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân tỉnh Bắc Kạn tuy đã cách xa hơn nửa thế kỷ. Nhưng nhân dân các dân tộc tỉnh đã luôn và tiếp tục phấn đấu theo lời Bác dạy. Đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đầu tiên là ngày 22/9/1943 Chi bộ Chí Kiên - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được thành lập, Chi bộ Chí Kiên ra đời đã lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Kạn, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Riêng đối với Bắc Kạn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của Đảng bộ tỉnh, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đấu tranh giành chính quyền và ta đã giành được thắng lợi vang dội. Kết quả, ngày 25/8/1945 ta đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại thị xã Bắc Kạn. Đại diện tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố chính thức xóa bỏ chính quyền địch và thành lập chính quyền cách mạng ở Bắc Kạn. Đồng thời, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã có đóng góp tích cực sức người, sức của cho tiền tuyến làm nên thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống đế quốc Mỹ, cứu nước và những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Như vậy, Chi bộ Chí Kiên khi mới thành lập chỉ có 3 đảng viên ưu tú, đến nay toàn tỉnh đã có 11 đảng bộ trực thuộc với 426 tổ chức cơ sở đảng (175 đảng bộ cơ sở, 251 chi bộ cơ sở), 2.093 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 37.562 đảng viên (chiếm 11,5% dân số của tỉnh). Đây là lực lượng tiên phong, nòng cốt trong chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đối với vấn đề chấp hành kỷ luật lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trở thành kim chỉ nam để Đảng ta đề ra những chủ trương, chính sách, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên noi theo. Thấm nhuần tư tưởng của Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Bắc Kạn đã nghiêm túc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, gương mẫu; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc theo hướng gần dân, sát cơ sở, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những kiến nghị, phản ánh bức xúc của Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đối với vấn đề đoàn kết theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Kạn luôn xác định đoàn kết có vai trò quan trọng, là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Do đó, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã luôn đoàn kết, đồng thuận cùng Đảng bộ, chính quyền đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, ngày càng đi vào cuộc sống. Những lời dạy thiêng liêng của Bác về Đảng, về kỷ luật lao động và về đoàn kết không những đã khắc sâu vào trái tim, khối óc của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bắc Kạn, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, thi đua phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Kạn./.

      ThS Nguyễn Ngọc Minh

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tài liệu tham khảo:

1. Bác Hồ với Bắc Thái, tập 2, Bắc Thái, 1979, tr.109.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Băc Kạn, Bác Hồ trong lòng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Bắc Kạn. 2003, tr.67.

3. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 149
  • Trong tuần: 1 444
  • Tất cả: 190532

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT