Chủ tịch Hồ
Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân
tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận rất nhiều công việc của đất nước nhưng Người vẫn luôn dành thời
gian để đến tận nơi động viên, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ cả nước và Bắc Kạn
là một trong những tỉnh vinh dự được đón tiếp Bác.
Theo sử liệu(1), ngày 16/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đến Bắc Kạn (một ngày sau khi đi thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) và nói
chuyện với Ban Giám đốc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và các chuyên gia Liên Xô làm
việc tại mỏ, nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, học tập, sản xuất của cán bộ
và công nhân... ). Cùng đi với Bác lên thăm đồng bào Bắc Kạn có Thứ trưởng Bộ
Công nghiệp Trần Đại Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và hai anh hùng
lao động. Tại đây, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với hơn 700 cán bộ tỉnh, huyện,
xã về những nội dung cơ bản, như về: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; công
nghiệp, nông nghiệp; về Đảng; kỷ luật lao động; đoàn kết; thực hành tiết kiệm,
tăng gia sản xuất (tiếp kỳ 1)
Kỳ 2. Bác nói về công nghiệp và nông nghiệp
* Về công nghiệp
“Bác nói công nghiệp ở đây chưa sát, vì Bắc Kạn chưa có.
Bản Thi bây giờ mới đang xem xét, nhưng các cô, các chú cũng đều biết chúng ta
bây giờ đang ra sức xây dựng và phát triển các nhà máy hầm mỏ như A-pa-tit (Lào
Cai), mỏ thiếc (Cao Bằng). Hiện nay, Liên Xô, Trung Quốc cũng như các nước anh
em đang ra sức giúp đỡ ta để phát triên công nghiệp cho nhiều. Liên Xô đem
tiền, đem máy móc và chuyên gia sang giúp ta, đó là nhờ có xã hội chủ nghĩa mới
có, đó là tinh thần quốc tế vô sản. Nhân dân Liên Xô, Chính phủ và Đảng Cộng
sản Liên Xô chưa phải là thừa thãi đâu, mà vẫn san sẻ một bộ phận máy móc và
người sang giúp ta. Ta phải học tập tinh thần quốc tế cao cả đó, phải sử dụng
tiền của đó cho hợp lý.
Còn ta thì sao? Công nghiệp thì nhỏ, nông nghiệp thì lạc
hậu, hòa bình lặp lại hơn ba năm, mà đã muốn cải thiện cho thật nhanh là một
điều không thực tế. Miền Bắc đã có 13 triệu dân. Liên Xô có 200 triệu dân lại
rộng hơn ta. Thế thì đáng lẽ ta phải cần thời gian gấp hai lần Liên Xô, nghĩa
là gấp hai lần 18 năm thành 36 năm mới đúng. Mới có 3 năm mà đòi hỏi phải cải
thiện nhiều, nhanh ngay một lúc thì lấy đâu. Nhưng ta có khác, đồng bào ta cố
gắng, các nước anh em giúp đỡ, thì ít nhất cũng phải 18 năm như Liên Xô. Nay
mới gần 4 năm mà đã oai rồi, đòi hỏi thế nào nhanh hơn nữa. Nhưng đối với ta,
các cô, các chú làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, nếu cố
gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì có thể cắt đi 8 năm nữa - tức
là 10 năm thôi - các cô, các chú có tán thành không? (vỗ tay hồi lâu).
Bác nói công nghiệp có lẽ là khó hiểu, vì Bắc Kạn ta chưa
có, rồi đây sẽ có.
* Về nông nghiệp
Bác nói về nông nghiệp nhiều hơn, muốn phát triển công
nghiệp, cần phải phát triển nông nghiệp là một điều không thể thiếu được. Nông
nghiệp ví như cái trụ “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì cũng
không có đạo gì cả.
Muốn phát triển nông nghiệp phải làm gì? Phải có tổ đổi
công. Nhiều người làm việc gì cũng nhiều, nhanh, tốt, rẻ; làm gì cũng nhẹ.
Nông nghiệp ta còn lạc hậu, cách làm ăn lẻ tẻ, phân tán.
Vì thế sản xuất được ít, phân bón ít, thu hoạch kém. Phải tổ chức nhau lại, cái
gì nặng một người nhấc không nổi, nếu nhiều người giúp vào một tay thì việc gì
cũng nhẹ, nhanh và nhiều.
Ở đây có xã có 3 tổ đổi công, mà chỉ có một tổ là thực
sự, có 17 đảng viên mà mới có hai đảng viên vào tổ đổi công! ở xã khác, có hai
tổ đổi công, chỉ có 4 trong số 14 đảng viên vào tổ đổi công, có 21 đoàn viên
thanh niên lao động, nhưng chưa có đoàn viên nào vào tổ đổi công. Thế thì vào
đoàn làm gì?... Bác đã căn cứ vào tình hình thực tế tỉnh Bắc Kạn chỉ ra những khó
khăn, hạn chế trong công nghiệp và nông nghiệp; đồng thời, chỉ ra phương hướng
tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để thúc đẩy công nghiệp, nông nghiệp mau
tới đích...
Ngày nay, nhìn lại chặng đường 67 năm - kể từ ngày diễn
ra cuộc gặp gỡ, nói chuyện với Bác, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc
Kạn đã luôn khắc cốt ghi tâm, chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp,
công nghiệp theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Mục đích không chỉ góp
phần ổn định đời sống vật chất cho nhân dân, mà còn góp phần quan trọng vào đại
thắng mùa xuân năm 1975 trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bước vào
thời kỳ đổi mới đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh,
nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ra sức thi đua, phát huy tối đa nguồn lực địa phương
để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, năm 2024 kinh tế nông, lâm nghiệp,
công nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể như sau:
- Đối với công
nghiệp: Các dự án công nghiệp cơ bản hoạt động, sản xuất theo kế hoạch. Tiếp
tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp và hoàn
thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I. Ủy ban nhân dân
tỉnh đã công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 27 sản phẩm, bộ sản phẩm công
nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Qua đó, kết quả sản xuất công nghiệp trên
địa bàn tỉnh đạt khá. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt
1.900 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện
lưới quốc gia đạt 98,5%, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng năng lượng điện
trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế -
xã hội, quốc phòng an ninh.
- Đối với nông,
lâm nghiệp: Tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
tập trung, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới;
hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Ngành Nông nghiệp được cấp ủy và chính quyền các cấp chú trọng chỉ đạo phát
triển bằng nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, làm thay đổi tập quán canh
tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, cụ thể như: tăng vụ gieo trồng, đưa giống
cây mới (lúa, ngô) có năng suất cao vào gieo trồng, áp dụng chính sách trợ giá
mới cho sản phẩm nông nghiệp, mở rộng và tu sửa hệ thống thuỷ nông…. Nhờ vậy,
năng suất cây trồng ngày càng được nâng cao. Đàn bò và đàn lợn phát triển ở mức
nhanh. Nhiều ngành nghề mới như nuôi trồng thuỷ sản với giống tôm càng xanh, cá
chim trắng nước ngọt cũng phát triển, đưa thêm sản phẩm mới vào thị trường nông
sản. Đồng thời, lâm nghiệp là thế mạnh của Tỉnh đang trong đà tăng trưởng do
thực hiện chủ trương giao đất đồi rừng, gắn việc chăm sóc, bảo vệ cây rừng, mở
rộng diện tích trồng cây nguyên liệu giấy, dược liệu và cây lấy gỗ. Diện tích,
sản lượng các loại cây trồng đều tăng so với kỳ cùng năm trước. Năm 2024, diện
tích trồng rừng thực hiện được 5.260ha, đạt 150% kế hoạch giao; toàn tỉnh đã
khai thác được 296.000m3 gỗ, đạt 85% kế hoạch; cả năm khai thác được 345.000 m3,
đạt 100% kế hoạch giao… với lợi ích thiết thực của người sản xuất đã tăng thêm
thu nhập cho nhân dân và nâng độ che phủ đất rừng… Điều đó có giá trị lớn đối
với việc cải thiện hệ sinh thái, phát triển bền vững môi trường sống trên địa
bàn Bắc Kạn và các vùng xung quanh.
Những kết quả
đạt được nêu trên, không chỉ góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, mà
còn minh chứng rõ nét nhất cho sự
lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đi đúng hướng của Đảng bộ tỉnh; sự nhất trí, đồng
lòng, vượt qua mọi khó khăn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh quyết
tâm hiện thực hóa lời Bác dạy, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng vững
mạnh./.
Còn nữa….
Tài liệu tham khảo
1. Bác Hồ với Bắc Thái, tập 2, Bắc Thái, 1979, tr.109.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Băc Kạn, Bác Hồ trong lòng Đảng
bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Bắc Kạn. 2003, tr.67.
3. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn.
ThS Nguyễn Ngọc Minh
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng