TÌM LẠI DẤU CHÂN NGƯỜI TRÊN QUÊ HƯƠNG BẮC KẠN

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận rất nhiều công việc của đất nước nhưng Người vẫn luôn dành thời gian để đến tận nơi động viên, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ cả nước và Bắc Kạn là một trong những tỉnh vinh dự được đón Bác về thăm.

Theo sử liệu(1), ngày 16/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bắc Kạn một ngày sau khi đi thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Cùng đi với Bác lên thăm đồng bào Bắc Kạn có Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trần Đại Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và hai anh hùng lao động. Tại đây, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với hơn 700 cán bộ tỉnh, huyện, xã về những nội dung cơ bản, như về: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; công nghiệp, nông nghiệp; về Đảng; kỷ luật lao động; đoàn kết; thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất,... 

Kỳ 1. Bác nói về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

 Bác nêu hai vấn đề: Thế nào là thời kỳ quá độ? và thế nào là xã hội chủ nghĩa?.

Bác giải thích; “Quá độ, ví như các cô, các chú muốn từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, thì phải qua đò (Bắc Kạn ta không phải qua đò, nhưng chúng ta qua phà). Từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội phải qua thời kỳ quá độ.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, đáng lẽ nước ta “qua đò” ngay, nhưng lại phải kháng chiến chống đế quốc xâm lược 8,9 năm. Sau hòa bình lập lại chúng ta mới “qua đò””. Đồng thời, Bác cũng giải thích thêm: miền Bắc ta hiện nay, tuy không còn Pháp, không còn phong kiến, địa chủ. Nhưng miền Nam ngược lại, vẫn còn đế quốc và phong kiến. Do đó, Bác chỉ rõ cần phải tiến hành hai nhiệm vụ:

Một là, Đảng, chính phủ, nhân dân ta ở miền Bắc phải xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Hai là, miền Nam phải ra sức đấu tranh chống Mỹ - Diệm để thống nhất Tổ quốc. Cả nước phải tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Sau khi chỉ rõ hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng hai miền, Bác tiếp tục giải thích xã hội chủ nghĩa là gì?

“Quá độ là “qua đò”. Vậy mười người cùng xuống đò phải làm như thế nào?

- Cô chú nào trả lời nào?

- Thưa Bác, phải chèo ạ!.

- Tất cả chèo à?

- Một người lái, chín người chèo ạ!”

Một người lái, chín người chèo. Đúng. Nếu mười người xuống đò, không có người chèo, người lái. Ra sông, đò nó trôi đến đâu không biết... Vậy thì, xã hội chủ nghĩa là bất cứ đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em, mọi người trên cương vị của mình mà làm việc”.

Để đồng bào hiểu đúng về xã hội chủ nghĩa, Bác đã chỉ ra: Hiện nay, có hai tư tưởng không đúng về quan niệm xã hội chủ nghĩa. Đó là:

1. Có người nghĩ xã hội chủ nghĩa không làm cũng có ăn.

2. Có người nghĩ tiến lên chủ nghĩa xã hội mất hết tự do, con người như cái máy, ví như đèn điện này này. Bật một cái thì sáng, bật hai cái thì tối... Lại có người nói xã hội chủ nghĩa, già yếu, tàn tật, trẻ em không ai nuôi. Như thế là hiểu sai, không đúng. Xã hội chủ nghĩa là ấm no và tự do cho toàn thể nhân dân. Mọi người phải tùy sức mình mà làm, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, có sức mà không làm thì không được hưởng. Không có người bóc lột người, mọi người đều có công ăn việc làm, làm tùy sức hưởng tùy công việc.

Vậy muốn ngày càng ấm no thì phải làm thế nào?

Phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tăng gia thì không dồi dào. Ngược lại, tăng gia sản xuất mà không thực hành tiết kiệm, thì cũng không bao giờ đủ; cứ làm ra tí nào “chén” cả, thì không bao giờ có vốn. Các cô, các chú và đồng bào đang sản xuất đấy, nhưng vẫn chưa đủ, vẫn còn thiếu. Muốn no đủ ngày càng nhiều thì phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Nghĩa là: làm ruộng chỉ làm một bung chưa đủ, ta phải làm hai bung; làm một vụ chưa đủ, ta phải làm hai vụ; làm cho mỗi ngày một nhiều thêm, thì đời sống sẽ được no đủ, và sẽ đóng góp cho Nhà nước xây dựng Tổ quốc.

Bây giờ còn lãng phí nhiều thì giờ, làm việc thì muốn đi muộn về sớm, trong giờ hành chính thì xem báo, nói chuyện vui. Nhân dân đóng góp nuôi chúng ta để làm việc mỗi ngày đủ 8 tiếng đồng hồ, nếu các cô, các chú mỗi ngày lãng phí 30 phút không mà việc. Như vậy là ta đã ăn quỵt của nhân dân 30 phút đó. Đồng bào cũng còn lãng phí nhiều, lãng phí giờ làm việc, lãng phí trong việc cưới xin. Nghe nói cưới hỏi thì phải bao nhiêu rượu, bao nhiêu thịt, bao nhiêu gạo... có thế không?, Đôi trai gái lớn lên, yêu nhau thì lấy nhau, việc gì phải đòi hỏi chén một bữa no say, rồi thì mắc nợ. Như vậy là lãng phí. Hay các cô, các chú cũng vậy, có hai áo sơ mi à vừa rồi, nhưng lại muốn ba, bốn cái lại muốn thật diện, phải pô - pơ - lin nữa cơ. Thế là chưa tiết kiệm.

Nội dung xã hội chủ nghĩa là tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, mỗi người tiết kiệm một ít, mỗi tháng tiết kiệm một ít, mỗi ngành tiết kiệm một ít, để góp vào quỹ Nhà nước, để tăng gia sản xuất ngày càng nhiều thì nhân dân ta cũng được no ấm. Nếu không tăng gia sản xuất thì cũng không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải nhiều ngành gộp lại. Ra sức xây dựng và phát triển công nghiệp và nông nghiệp là hai mặt quan trọng hơn cả”...

Mục đích buổi gặp gỡ, nói chuyện của Bác không chỉ giải thích cho cán bộ, đảng viên và đồng bào tỉnh Bắc Kạn hiểu đúng về chủ nghĩa xã hội; tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; phải thực sự đoàn kết... mà còn đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên và đồng bào trong tỉnh hăng hái tham gia làm cách mạng. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm và phương hướng chỉ đạo của Bác, cán bộ, đảng viên và đồng bào tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tham gia cùng nhân dân miền Bắc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Buổi gặp gỡ, nói chuyện của Bác cách đây đã 66 năm, nhưng những lời dạy, lời động viên của Bác còn vẹn nguyên giá trị và tiếp tục định hướng cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nhận thức sâu sắc hơn con đường đi lên CNXH, rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị, làm tròn trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,33% so với năm 2022, Bắc Kạn xếp thứ 6 trong vùng và đứng thứ 33 trên cả nước. Tổng sản phẩm GRDP theo giá so sánh ước đạt 8.840 tỷ đồng. GRDP bình quân ước đạt 50,3 triệu đồng/người, tăng 4 triệu đồng so với năm 2022. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) luôn được Bắc Kạn dành nhiều sự ưu tiên. Đến nay toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 74 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới; bình quân cả tỉnh đạt 12,79 tiêu chí/xã; nhiều dự án, công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa tạo đà thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới được tỉnh triển khai, thực hiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng, như: Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể; xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng sân vận động tỉnh và các hạng mục phụ trợ. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, lao động, việc làm được quan tâm chăm lo toàn diện. Kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể nhân; kết quả đó không chỉ thể hiện việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện niềm tin vững chắc vào Đảng và vào chế độ XHCN./.

Còn nữa….

    ThS Nguyễn Ngọc Minh

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Ảnh bìa: Sưu tầm

Tài liệu tham khảo:

1. Bác Hồ với Bắc Thái, tập 2, Bắc Thái, 1979, tr.109.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Băc Kạn, Bác Hồ trong lòng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, Bắc Kạn. 2003, tr.67.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 282
  • Trong tuần: 2 034
  • Tất cả: 163742

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT