TÌM HIỂU LỄ CẤP SẮC (QUÁ TĂNG) CỦA DÂN TỘC DAO TỈNH BẮC KẠN

Lễ cấp sắc là một tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc Dao nói chung, dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn nói riêng, là nghi lễ không chỉ đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông, mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, có tính chất giáo dục cao. Qua nghi lễ này, người Dao răn dạy con cháu hướng về nguồn cội, kính trọng người trên, tránh xa cái xấu, không làm điều ác, sống chân thật, biết quan tâm, giúp đỡ mọi người. Đặc biệt thể hiện sự thủy chung của đôi vợ chồng, sự trong sạch, trong sáng trong sinh hoạt, cuộc sống để hướng những cái tốt đẹp trong dòng họ, tổ tiên của dân tộc Dao.

anh tin bai

Hình ảnh lễ cấp sắc của người Dao tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Ảnh: theo baobackan.org.vn

Lễ cấp sắc có nhiều bậc: Bậc 3 đèn, bậc 7 đèn, bậc 12 đèn, tiến trình của một lễ rất phức tạp, kéo dài với nhiều nghi lễ nhỏ, bao gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị: Để lễ cấp sắc diễn ra đúng trình tự, đủ thủ tục thì chuẩn bị là khâu đầu tiên, quan trọng không thể thiếu. Ví dụ: Để lễ cấp sắc 3 đèn được thực hiện, cần có thời gian khá dài để chuẩn bị lễ vật như: Hai con lợn dùng cho việc tế lễ; khá nhiều gạo, rượu, gà làm đồ cúng và một ít tiền mặt để bồi dưỡng cho các thầy tham gia hành lễ. Ngoài ra, còn chuẩn bị các sản phẩm thêu, may lễ phục;  hương, nến, đèn dầu, sắm tiền âm phủ và tiến hành giã gạo khi gần đến ngày thụ lễ. Ngày tháng - ngày hành lễ thường được chọn trong khoảng tháng 11, 12 âm lịch và đi tìm thầy cúng, số thầy cúng được mời đến phải bằng số cấp bậc của nghi lễ. Đồng thời, người được cấp sắc không chỉ phải trải qua một quá trình học thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ, các bài cúng ghi trong sách vở bằng chữ nôm dao, mà còn phải chịu một số thủ tục kiêng khem nhất định với thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng như: Không được nói tục, chửi bậy, cãi vã, to tiếng; không quan hệ vợ chồng; không nói chuyện hay để mắt tới phụ nữ, nếu phụ nữ nhìn mình thì phải quay mặt đi…

Giai đoạn tiến hành: Ở mỗi một bậc đèn sẽ có nghi thức lễ phù hợp. Ví dụ, đối với lễ cấp sắc bậc 3 đèn hoặc cấp sắc Tam Nguyên của người Dao Áo Dài ở tỉnh Bắc Kạn thường kéo dài một ngày, 2 đêm và được chia thành 2 nội dung lớn là: Thụ đèn và cúng Bàn Vương.

Đối với nội dung thụ đèn: Hai bàn cúng được bày ở gian giữa của nhà - đối diện cửa chính. Trên bàn cúng có 1 bát hương, 3 chiếc bát con để rót rượu mời các thần linh và gạo, nước, củ gừng tươi mỗi thứ một bát. Riêng bàn cúng của thầy cúng thứ nhất có thêm 3 bát con, trong mỗi bát đựng một ít dầu và có bấc để soi sáng người thụ lễ. Sau khi chuẩn bị xong, hai thầy cúng chủ trì mặc lễ phục để cúng mời các tổ tiên, thần phật và các thần linh khác đến dự lễ, phù hộ và chứng kiến lễ soi đèn cho người thụ lễ. Sau lễ cúng, anh em họ hàng múa những bài múa cổ truyền. Tiếp đến, thầy cúng thứ nhất đọc lai lịch người được cấp sắc và yêu cầu các thần linh cởi bỏ sự dốt nát trong người thụ lễ và thay vào đó là sự thông minh, người giúp việc đốt 3 cái bấc trong 3 bát dầu đã được đặt sẵn ở trên bàn cúng để cho hai thầy cúng và người bố đẻ của người thụ lễ đặt lên đỉnh đầu và hai vai của người thụ lễ. Các nghi lễ tiếp theo là hạ đèn, đặt pháp danh, cúng dụng cụ cúng bái và cấp âm binh cho người thụ lễ. Những nghi lễ này diễn ra cẩn thận, trang nghiêm. Tiếp theo, thầy cúng thứ hai hướng dẫn người thụ lễ múa khoảng 7 bài múa cổ. Họ vừa múa, vừa dâng bánh nếp và rượu của người thụ lễ cho các thần linh và tổ tiên; ngoài ra thầy cúng được mời đến múa 7 bài múa khác nhau để dâng bánh và cúng rượu cho thần linh. Sau khi hai thầy cúng chủ trì, thầy múa và người giúp việc làm lễ cúng để tiễn đưa các thần linh về thì kết thúc lễ thụ đèn.

Đối với nội dung cúng ông tổ người Dao: Người ta bày 2 bàn: Một bàn cúng mời các bậc tổ tiên và Bàn Vương tới dự lễ. Bàn để cúng Bàn Vương được đặt ở trong nhà - đối diện cửa chính, còn bàn cúng gia tiên đặt trước bàn thờ tổ tiên. Các lễ vật đặt trên bàn cúng gồm: 1 con lợn chưa luộc, để úp sấp trên bàn, 1 bát hương, 3 bát rót rượu mời ma, 1 bát nước lã, 1 bát gạo, 2 bát củ gừng tươi và nhiều tiền âm phủ. Sau khi bày biện, thầy cúng thứ nhất mời bậc thần linh và tổ tiên đến dự. Đồng thời, ba thiếu niên và ba thiếu nữ đứng thành hai hàng ở phía sau thầy cúng để vái chào, hát và đọc thơ cho các bậc tổ tiên và thần linh nghe. Một bàn cúng đặt ở gần bàn cúng Bàn Vương để bày thịt lợn chín, bát rau, chai rượu, 6 bát ăn cơm, 6 đôi đũa và một quyển sách cúng. Hai thầy cúng chủ trì, thầy cúng múa và 3 người đàn ông khác được mời đến ngồi vào bàn đọc thơ được ghi chép trong quyển sách cúng. Quá trình này kéo dài hơn 3 tiếng. Sau khi cúng cầu các bậc tổ tiên và các thần linh phù hộ cho gia đình, đốt vàng mã và đưa tiễn thần linh thì kết thúc lễ cúng Bàn Vương, đồng thời kết thúc lễ cấp sắc. Như vậy, để trở thành một người đàn ông bình thường trong xã hội người Dao, họ bắt buộc phải trải qua lễ cấp sắc (quá tăng) họ được cấp 3 đèn, đây là nghi lễ phổ thông đối với đông đảo người đàn ông dân tộc Dao tỉnh Bắc Kạn./.

---------------------

ThS Nguyễn Ngọc Minh - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 810
  • Tất cả: 42183

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT