TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN HIỆN NAY

Hiện nay, những mô hình kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã và đang từng bước trở thành nhân tố tích cực đem lại giá trị kinh tế cao. Phát triển KTTT, HTX không chỉ thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động mà còn góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Để đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển, như: Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 24/3/2020 về nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/4/2021 về phát triển KTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 10/NQ-TU, ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thể chế hóa sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đây là Nghị quyết được ban hành để thay thế Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đã cụ thể hóa và triển khai thực theo quy định. Kết quả cụ thể như sau:

Về chính sách hỗ trợ, đào tạo: Đã thực hiện bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, thành viên HTX thuộc 270 hợp tác xã với tổng kinh phí 1.185 triệu đồng. Tổ chức 08 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 08 HTX, đối tượng là hộ dân tham gia liên kết và thành viên HTX. Hỗ trợ chuyển giao khoa học - công nghệ, tư vấn cho 26 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký danh mục dự án liên kết theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đã trực tiếp tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 04 HTX triển khai dự án liên kết.

Về chính sách nguồn vay ưu đãi từ các quỹ: Hỗ trợ nguồn lực cho 43 HTX, tổng kinh phí 1.374,9 triệu đồng. Hỗ trợ vốn từ qũy hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh cho 47 hợp tác xã với số tiền 4.568 triệu đồng và từ Qũy hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho 08 hợp tác xã vay vốn với số tiền 5.339 triệu đồng. Kết nối từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho thành viên HTX vay thông qua các dự án để xây dựng mô hình phát triển kinh tế với số tiền 2 tỷ đồng (04 hợp tác xã). Từ chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MTCP2), tỉnh đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 02 HTX với tổng số tiền 750 triệu đồng. 

 Về chính sách hỗ trợ đầu tư, công nghệ: Hiện nay, đã hỗ trợ 07 HTX thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kinh phí 2.100 triệu đồng. Thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị cho 122 HTX, tổng kinh phí 24.827 triệu đồng. Hỗ trợ kết cấu hạ tầng các HTXX, tổng kinh phí 31.580 triệu đồng cho 14 HTX; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình HTX kiểu mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị cho 14 HTX với tổng kinh phí thực hiện 3.856,6 triệu đồng; cấp kinh phí hỗ trợ bảo hiểm cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn cho 21 HTX với tổng kinh phí 332,9 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí cho 01 HTX để đầu tư xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản với tổng số tiền 500 triệu đồng. Các chính sách hỗ trợ được chi từ nguồn ngân sách tỉnh…

Do thực hiện tốt các chính sách trên, đến nay toàn tỉnh có 674 tổ hợp tác, 368 HTX, 02 Liên hiệp HTX. Tổng số thành viên tổ hợp tác là 7.670 thành viên; thành viên HTX là 3.713 và số HTX thành viên của Liên hiệp HTX là 18 đơn vị. Tuy nhiên, theo Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 28/9/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 1.000 tổ hợp tác, 500 HTX, 6 liên hiệp HTX; trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. (Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 55 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần phát triển số lượng và chất lượng các tổ hợp tác và HTX trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX. Lồng ghép nhiệm vụ phát triển KTTT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm bảo đảm đồng bộ, thiết thực, phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương. (Trong đó tập trung hỗ trợ các nội dung, hạng mục cấp thiết đối với KTTT để nâng cao hiệu quả hỗ trợ).

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gắn nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị, địa phương. Quan tâm chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ trực tiếp tham mưu về lĩnh vực kinh tế tập thể từ tỉnh đến cơ sở.

Bốn là, tăng cường khuyến khích các tổ chức KTTT, HTX chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường; tập trung phát triển các sản phẩm gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Ứng dụng công nghệ, khoa học hiện đại, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX.

Năm là, cần chú trọng phát huy nguồn nội lực của HTX, tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng hạ tầng cơ sở cho sản xuất và chế biến; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn.

Bảy là, Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả… lan tỏa thông điệp tích cực, làm động lực để người dân và các HTX khác mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người dân.

ThS Trần Doãn Quyên

Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 229
  • Trong tuần: 740
  • Tất cả: 27231

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT