Thuyền độc mộc là một phần bản sắc văn hóa dân tộc Tày vùng hồ Ba Bể. Hình
ảnh những cô gái Tày với tà áo chàm, ung dung đưa mái chèo khỏa nước đẩy những
con thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể từ lâu đã trở thành biểu tượng của du lịch Ba
Bể. Chiếc thuyền độc mộc không chỉ thu hút du khách bởi hình dáng độc đáo,
kỹ thuật chế tạo điêu luyện công phu, kỹ thuật chèo thuyền khéo léo mà còn bởi
cảm giác mới mẻ mà nó mang lại cho du khách khi được trực tiếp trải nghiệm.
Phụ nữ Tày trong trang phục truyền thống chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể
Ảnh: Sưu tầm
Độc mộc là loại thuyền
đặc biệt bởi nó được làm từ gỗ nguyên khối, không sử dụng kỹ thuật đóng, ghép. Quá
trình làm thuyền độc mộc bắt đầu từ khâu chọn gỗ có độ bền, dẻo dai. Gỗ phù hợp
làm thuyền là gỗ lim, đinh, lát mọc hoang trên rừng, chiều dài thân từ 8m trở
lên, thẳng đều, ít nhánh ngang. Dụng cụ đục thân gỗ tạo lòng thuyền là cuốc
chim có đầu lưỡi, mỏ sắc bén đề dễ dàng khoét, nạo lòng thuyền. Quá trình đục đẽo
thuyền đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ. Ngoài cuốc chim, người thợ dùng 2 loại
bào: bào phá các mắt, chỗ lồi tạo phẳng và bào mịn đề mặt gỗ nhẵn, bóng, sau đó
dùng lửa đốt hong khô liên tục toàn bộ thân gỗ. Khó khăn nhất khi dựng thuyền
là phải tập trung quan sát, không làm nứt, mẻ lòng thuyền. Chiều rộng thuyền chỗ
lớn nhất 60-70cm, độ cao từ đáy đến mạn khoảng 50-60 cm tùy theo chu vi thân
cây gỗ. Phần đầu, đuôi thuyền giữ nguyên mặt phẳng, cắt vuông ngang lúc đốn gỗ,
phần thịt gỗ 2 đầu giữ nguyên, làm bậc lên xuống.
Kỹ thuật chế tác thuyền
độc mộc từ gỗ rừng phản ảnh lối sinh hoạt sông hồ độc đáo, đặc sắc. Chiếc thuyền
có hình dáng thon, dài, có thể thay đổi tốc độ, chuyển hướng linh hoạt, dễ dàng
luồn lách, trượt trên mặt nước nông mà không bị đá, sỏi làm hư hại thân, đáy
thuyền, dù có bị lật cũng không bao giờ bị chìm. Thuyền độc mộc cho thấy bản sắc
văn hóa Tày luôn chủ động thích ứng trong môi trường tự nhiên, biến cây rừng
thành phương tiện giao thông thủy, nó cũng là minh chứng nghề mộc ở vùng hồ Ba
Bể trước đây rất phát triển.
Với dáng hình độc đáo,
nhỏ nhắn mà cơ động, thuyền độc mộc từng là phương tiện lưu thông phổ biến trên
sông hồ của một số nơi vùng cao phía Bắc. Người chèo thuyền độc mộc phải có kỹ
năng khéo léo, biết dùng lực tay, thân đưa thuyền theo hướng xác định. Nếu
không có kinh nghiệm hoặc lần đầu chèo dễ làm thuyền mất cân bằng, nước nhanh
chóng tràn vào làm chìm thuyền.
Sông nước hồ Ba Bể
tương đối yên ả, phù hợp với loại thuyền độc mộc dùng di chuyển và đánh bắt cá.
Mỗi năm khi xuân về, người dân tổ chức hội đua thuyền độc mộc, đại diện các bản
quanh hồ (Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù...) đăng ký tham gia. Nhưng hiện nay, theo
khảo sát số lượng thuyền độc mộc hiện nay còn rất ít nên hội đua thuyền những
năm gần đây không tổ chức được. Những chiếc thuyền độc mộc gỗ giờ được thay thế
bằng thuyền sắt, gắn máy nổ, cơ động hơn, sức tải lớn hơn, không chỉ chở hàng
mà còn có cả thuyền chở du khách tham quan. Níu giữ một nét văn hóa độc đáo gắn
với đời sống, cư dân quanh vùng hồ Ba Bể đã đặt làm những chiếc thuyền sắt theo
hình dáng thuyền độc mộc.
Ngày nay, mặc dù đã được
thay thế bằng thuyền máy nhưng thuyền độc mộc vẫn là phương tiện du lịch trải
nghiệm yêu thích của nhiều du khách khi đến với hồ Ba Bể. Chèo thuyền độc mộc
du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác tưởng như tròng trành mà lại lướt như
bay, vừa hồi hộp lo lắng lại vừa lạ lẫm, mới mẻ. Những cung bậc cảm xúc ấy có lẽ
chỉ có được khi du khách trực tiếp ngồi trên thuyền dưới tay chèo của những cô
gái Tày Ba Bể.
Trên thắng cảnh hồ Ba Bể,
hình ảnh những cô gái Tày với tà áo chàm khoan thai đưa mái chèo khóa nước đấy
những con thuyền độc mộc nhẹ nhàng lướt trên mặt hồ gợn sóng vẫn luôn là biểu
tượng đẹp, hấp dẫn của vùng hồ Ba Bể. Biểu tượng đó cần được gìn giữ, phát huy,
bảo tồn để những chiếc thuyền độc mộc tiếp tục được rẽ sóng trên hồ Ba Bể, để hằng
năm đua thuyền độc mộc được trở lại vào hội xuân Ba Bể mỗi độ xuân về.
ThS Cù Thị Thu Trang
Trưởng phòng
QLĐT&NCKH