trang chủ
TĂNG CƯỜNG TỰ TRAU DỒI, MỞ RỘNG PHÔNG KIẾN THỨC - GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC CÁC LỚP TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”(1). Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc học lý luận, yêu cầu đảng viên phải ra sức học tập lý luận, phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận đồng thời phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thực hiện tốt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn… Trong Quy định số 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, Đảng ta cũng khẳng định: “Học tập là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn”.

Thời gian vừa qua, việc học tập lý luận chính trị đã được các cấp ủy quan tâm, thường xuyên cử cán bộ, đảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các lớp đào tạo trong đó có đào tạo Trung cấp lý luận chính trị. Từ năm 2020 đến nay Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn đã đào tạo được 24 lớp Trung cấp lý luận chính trị với 1412 học viên. Học viên tham gia các lớp học cơ bản có động cơ học tập đúng đắn, tham gia đầy đủ các phần học, môn học, kết quả học tập tương đối tốt. Tuy nhiên, một số cán bộ, đảng viên được cử đi học vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị, có tâm lý cho đi học lý luận chính trị là nhiệm vụ được tổ chức phân công, đi học bằng tâm thế cho xong, đi học để hoàn thiện bằng cấp chứ không chú trọng tiếp thu được kiến thức gì, rèn luyện được kỹ năng gì, rút được kinh nghiệm gì, không gắn việc học với nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Việc vận dụng kiến thức lý luận từ chương trình học vào thực tiễn công tác của nhiều học viên Trung cấp lý luận chính trị chưa thực sự hiệu quả. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là bởi học viên không giành thời gian tự nghiên cứu, đào sâu kiến thức, thời gian học tập chủ yếu chỉ ở trên lớp. Học viên hiểu lý luận chưa sâu sắc dẫn đến khó vận dụng hiệu quả trong thực tiễn công tác. Bởi vậy, tăng cường khả năng trau dồi, tự mở rộng phông kiến thức sẽ là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn nói riêng và các Trường Chính trị trên cả nước nói chung.

Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị có thời gian đào tạo dài, mỗi bài học chứa đựng khối lượng kiến thức lớn nên trong thời gian học tập trên lớp giảng viên chỉ hướng dẫn, gợi mở, trao đổi những vấn đề cơ bản của bài học. Để hiểu sâu sắc lý luận và liên hệ thực tiễn phong phú, vận dụng vào công tác học viên học lý luận chính trị cần tự trau dồi, mở rộng phông kiến thức. Để tăng cường khả năng tự trau dổi, mở rộng phông kiến thức cần có sự định hướng tốt của giảng viên và sự tích cực, tự giác nghiên cứu từ phía học viên.

- Đối với giảng viên

Trong quá trình giảng bài trên lớp, giảng viên cần giới thiệu, định hướng nguồn tài liệu tham khảo, sách báo, các địa chỉ website… chính thống, uy tín, chất lượng cho học viên tham khảo. Đồng thời, tăng cường gợi mở, nêu vấn đề, đưa ra những chủ đề thảo luận hấp dẫn, mang tính thời sự, những câu hỏi hay có tính tình huống, phát sinh trong thực tế, đỏi hỏi học viên phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm tài liệu tham khảo mới có thể hoàn thành.

- Đối với học viên

Học viên cần tự trau dồi, mở rộng phông kiến thức thông qua đọc sách, báo. Sách báo là một nguồn thông tin phong phú, chi phí thấp nhưng giúp mở rộng kiến thức tốt. Đọc nhiều giúp học viên cập nhật kiến thức, thông tin thời sự, tăng khả năng tư duy sáng tạo. Nên tạo thói quen dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày để đọc sách. Với sự phát triển của công nghệ, đối với những người không có thời gian đọc sách; đặc biệt, đối với những người thường xuyên di chuyển hoặc quá bận rộn việc đọc, xem, nghe sách điện tử cũng là một lựa chọn hiệu quả.

Học viên cần biết tận dụng thế mạnh của mạng Internet để mở rộng phông kiến thức. Với sự phát triển của Internet, có rất nhiều cách để chúng ta tiếp thu thêm các kiến thức mới mà không cần đến sách vở. Theo đó, facebook, zalo,... có thể là một nguồn kiến thức vô tận nếu biết khai thác hợp lý. Thực tế hàng ngày học viên tiêu tốn nhiều thời gian để lướt website, facebook, zalo… tuy nhiên chủ yếu là để nhắn tin, xem các thông tin nóng, sốc... nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, nghệ thuật… Họ sử dụng mạng xã hội rất nhiều nhưng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chính trị, kinh tế, xã hội đôi khi còn mờ nhạt. Giảng viên nên định hướng lại cách khai thác và tiếp nhận kiến thức xã hội cho học viên, thay vì bỏ thời gian xem clip linh tinh (vợ chửi chồng, nghệ sĩ hớ hênh,...) có thể dành thời gian để xem các video liên quan đến nội dung học tập, nghiên cứu. Học viên có thể follow các fanpage khoa học, tham gia vào các group khoa học để có thể học thêm nhiều kiến thức khoa học mới. Việc học trên facebook, zalo… sẽ thú vị hơn học với sách vở khô khan rất nhiều. Đây là cách rất tốt để bổ sung thêm kiến thức trong thời đại công nghệ số. Hãy sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để mở rộng phông kiến thức.

Tăng cường tương tác trên các trang mạng xã hội với những người am hiểu các vấn đề xã hội, đặc biệt là có kiến thức lý luận chính trị. Chuyện trò, trao đổi là một trong những cách để học tập, tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của người đi trước một cách hiệu quả. Trên mạng xã hội, hãy làm quen và trò chuyện với những người thành công, đi trước trong lĩnh vực chính trị để tăng thêm vốn kiến thức của mình.

Tự trau dồi, mở rộng phông kiến thức thông qua viết bài nghiên cứu, trao đổi, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về lý luận chính trị. Song hành với việc học lý thuyết là thực hành những kỹ năng và kiến thức mà học viên đã học được. Thông qua việc học tập trên lớp, nghiên cứu tài liệu, sách vở và trên cơ sở thực tiễn công tác tại địa phương, đơn vị, học viên tích cực, chủ động tham gia viết bài nghiên cứu, trao đổi gửi đăng trên các cổng thông tin điện tử, Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị, báo, tạp chí (trong đó, có cả báo, tạp chí điện tử) của Trung ương, địa phương và chuyên ngành. Những sản phẩm nghiên cứu chất lượng sẽ giúp học viên tự trau dồi, mở rộng thêm kiến thức lý luận.

Tham gia các cuộc thi về lý luận chính trị, đặc biệt là các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi viết Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm góp phần tích cực trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới,... được tổ chức hằng năm.

Có thể khẳng định, tự trau dồi, mở rộng phông kiến thức là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Trung cấp lý luận chính trị. Thông qua tự học, tự nghiên cứu học viên sẽ hiểu sâu sắc những vấn đề lý luận, phông kiến thức không bị bó hẹp trong những cuốn sách giáo trình mà được mở rộng, nhờ đó học viên có thể trao đổi lại với thầy cô, bạn bè những vấn đề đặt ra trong thực tiễn để cùng tìm lời giải đáp. Kiến thức học viên lĩnh hội được trên lớp học sẽ được vận dụng vào thực tiễn công việc cũng như cuộc sống, lý luận thực sự thể hiện được vai trò kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn đũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

ThS Cù Thị Thu Trang

     Trưởng phòng QLĐT&NCKH

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 273 - 274.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 152
  • Trong tuần: 1 447
  • Tất cả: 190535

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT