PHÁT TRIỂN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA “HÁT SLI CỦA DÂN TỘC NÙNG”

Đăng ngày 9:47 sáng 05/09/2022

anh tin bai

Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ” một làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Nùng được hình thành và gìn giữ qua bao thế hệ. Hát Sli là hình thức hát thơ, được biểu diễn dưới dạng đối đáp nam, nữ thông thường sli có 3 lối hát cơ bản là: Hát nói (đọc thơ); Xướng Sli (ngâm thơ); Dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát). Nội dung được gửi gắm trong từng điệu hát Sli luôn chứa đựng và truyền tải những giá trị đầy tính nhân văn, ý thức về cội nguồn, sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên, những quan niệm về đạo đức có tác dụng giáo dục và mang đậm bản sắc dân tộc Nùng xã Xuân Dương.

anh tin bai

 

Các nghệ nhân thực hành hát Sli ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn internet.

Thông qua lời Sli giao duyên mà biết bao đôi trai gái đã nên vợ, nên chồng; Sli đám cưới là lời chúc của tất cả mọi người cho đôi vợ chồng trẻ luôn may mắn, hạnh phúc, thuận hòa, sớm sinh con, gia đình bình an. Sli sinh nhật, mừng thọ là những giãi bày, tâm sự, đồng thời kể lại công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cùng lời chúc sống lâu, khỏe mạnh, vui vẻ cùng con cháu. Sli đám ma là các bài khóc than, thể hiện sự thương tiếc đối với người đã khuất, cầu mong họ sẽ phù hộ độ trì, che trở, bảo vệ cho con cháu. Hát Sli đã trở thành tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng, góp phần cho cuộc sống thêm hồn nhiên, tươi vui, phấn khởi, đoàn kết, xây dựng đời sống tinh thần nhân dân thêm phong phú, đa dạng.

Xã Xuân Dương, huyện Na Rì đã thành lập Câu lạc bộ hát Sli kết nối được hơn 30 học viên, trong đó, có cả các em là học sinh tham gia. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật hát Sli tiếp tục duy trì và phát triển. Ngày 09/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-BVHTTDL, công bố “Hát Sli của người Nùng, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là một niềm vinh dự và tự hào cho cộng đồng người Nùng nói riêng và của cả tỉnh Bắc Kạn nói chung. Hiện nay, hát Sli ngày càng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các tổ chức và cá nhân, nhiều tổ, đội, câu lạc bộ hát sli ở thôn, bản được khôi phục đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các nghệ nhân và những người yêu thích hát Sli. Hình thành môi trường, không gian văn hóa lành mạnh, đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, qua các cuộc giao lưu gặp gỡ, Sli đã tạo lập không gian, môi trường văn hóa để những người đam mê, yêu thích hát Sli hội tụ lại. đồng thời, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ di sản văn hóa này đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được hát Sli vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: môi trường, không gian diễn xướng dần bị mai một; số lượng người biết, am hiểu, thực hành hát Sli ngày càng hạn chế, chủ yếu trong lứa tuổi từ 45 trở lên; công tác truyền dạy hát Sli còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí để đầu tư cho bảo tồn chưa đáp ứng được nhu cầu; hình thức truyền dạy chủ yếu là truyền khẩu, chưa được sưu tầm, ghi chép; việc tiếp cận giai điệu, tiết tấu, lời ca còn khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự am hiểu, khả năng cảm thụ âm nhạc, cảm xúc nhất định nên việc phổ biến một cách rộng rãi trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giới trẻ.

Do vậy, để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể hát Sli cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về nội dung, giá trị, ý nghĩa của hát sli thông qua các bài nghiên cứu, bài viết, trình diễn các trích đoạn hát Sli trong các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Xây dựng không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo, phổ biến, giới thiệu, quảng bá về ý nghĩa, giá trị và những nét đặc trưng, tiêu biểu của hát Sli đến với nhân dân trong, ngoài tỉnh và bạn bè quốc tế.

Thứ hai, tiến hành sưu tầm, khai thác các thông tin, tư liệu về hát Sli của dân tộc Nùng. Tiếp tục duy trì việc mở các lớp truyền dạy hát Sli của dân tộc Nùng cho các tầng lớp nhân dân yêu thích hát Sli.

Thứ ba, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu chuyên sâu về hát Sli dân tộc Nùng để hình thành các sản phẩm khoa học, các tư liệu hoàn chỉnh.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách đãi ngộ, động viên hợp lý về vật chất, tinh thần, các điều kiện cần thiết để duy trì, phát triển, thu hút giới trẻ tham gia vào việc lưu giữ, bảo tồn có hiệu quả nghệ thuật hát Sli.

ThS Phạm Thu Thủy

Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng

Chú thích ảnh bìa:

Nghệ nhân Nông Văn Hồ (thứ 3 từ trái sang) cùng các nghệ nhân thực hành hát Sli ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Nguồn internet.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 172
  • Trong tuần: 683
  • Tất cả: 27174

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT