NHIỆM VỤ CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TRONG CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Từ cuối
năm 2024 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đứng
đầu là đồng chí Tổng Bí thu Tô Lâm, các ban, bộ, ngành, địa phương tập trung triển
khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung
ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính
trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến
tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đây thực chất là "cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị". Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có
nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, bọn phản động không ngừng hoạt
động chống phá Đảng, Nhà nước ta về mọi mặt, trong đó có các hoạt động thu thập
bí mật Nhà nước trên nhiều lĩnh vực để tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại quá
trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan ở Trung ương và địa phương; quá
trình diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Đẩy mạnh
cải cách, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ là nhiệm vụ trọng
tâm trong giai đoạn hiện nay mà còn là đột phá chiến lược để đưa đất nước tiến
xa hơn trên con đường phát triển toàn diện. Đội ngũ giảng viên trường chính trị
với vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, trực tiếp giáo dục, tuyên truyền sâu
rộng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác giảng dạy các
chuyên đề, bài giảng, giảng viên trực tiếp truyền thụ đến người học hiểu sâu,
hiểu đúng về những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra ở trong nước và trên thế giới. Đội
ngũ giảng viên trường chính trị là lực lượng trực tiếp tham gia vào các hoạt động
nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống
chính trị ở địa phương…Vì vậy, mỗi giảng viên trường chính trị tỉnh cần xác định
rõ vai trò và trách nhiệm của bản thân trong cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ
thông chính trị, đó là.
Một là,
về trang bị tri thức, mối giảng viên cần nắm bắt kịp thời và sâu sắc chủ trương
của Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XII với tinh thần “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không
chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”, “địa phương quyết, địa phương làm, địa
phương chịu trách nhiệm”, tiến hành một cách khẩn trương kiên quyết và mạnh mẽ.
Việc sát nhập các đơn vị hành chính khi đã đạt được những thành tựu về mọi mặt thì công tác quản lý hành chính cũng có nhiều thuận lợi
hơn trước, đồng thời với những kinh nghiệm từ thực tiễn quốc tế, việc tinh gọn
bộ máy hành chính ở địa phương hoàn toàn có thể đạt được yêu cầu. Thực tế cho
thấy, đất nước Trung Quốc rộng lớn là thế mà cũng chỉ có 22 tỉnh, thành phố,
sao Việt Nam lại cần đến đến 63 tỉnh. Năm 1979, nước ta sáp nhập các tỉnh, đưa
số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh xuống khá thấp là 38 tỉnh năm 1976. Nhưng
thời ký đó, do trình độ quản lý và những khó khăn về kinh tế, xã hội, an ninh,
quốc phòng nên cuối cùng chúng ta lại chia tách. Hiện nay, mọi điều kiện, nhất
là sự phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế -xã hội cho phép việc sáp nhập
và quản lý, điều hành có hiệu quả các địa bàn rộng lớn….
Hai là, trong hoạt động giảng dạy các chuyên đề và bài giảng có liên quan đến
cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống
chính trị cần lồng ghép và khẳng định: (i) Việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW
và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động
hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn
bộ máy của hệ thống chính trị; cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động
trong toàn Đảng và cả hệ thống Chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Khẳng
định thời điểm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng (2030) và 100 năm
thành lập nước (2045) không còn xa; để đạt được các mục tiêu chiến lược, không
chỉ đòi hỏi những nổ lực phi thường, cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép
chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng
trên từng bước đi; việc tinh gọn tổ chức bộ máy là điều kiện tiên quyết để đất
nước phát triển; Nhấn mạnh mục đích của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm
đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm,
khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
trong quá trình thực hiện; chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,
gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. (ii)
Nêu bật yêu cầu, nguyên tắc của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp,
hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn,hoạt động hiệu lực,
hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc
của Đảng, Cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu
thực tiễn; đồng thời, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo,
Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Những ưu điểm và tác động khi thực hiện mô
hình mới; tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị về nhận thức và
hành động trong quá trình tổ chức thực hiện. (iii) Nhấn mạnh việc sắp xếp lại
mô hình các cơ quan Trung ương phải gắn với các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về
đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
cho địa phương gắn với phối hợp và kiểm tra, giám sát,..; thực hiện nghiêm
nguyên tắc cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ
trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức
năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh.
(iv) Làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai: Xây dựng và tổ chức
thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống
chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới;
Chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ; rà soát sửa đổi,
bổ sung các chủ trương, quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong
công tác trên từng lĩnh vực; Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, đội ngũ cán
bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hoá chức
danh. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Ba là, trong hoạt động nghiên cứu khoa học mỗi giảng viên phải tự trang bị cho
mình những tri thức lý luận và thực tiễn sâu sắc để từ đó có những bài viết, khẳng
định giá trị khoa học và thực tiễn về cải cách bộ máy cũng như tích cực tham
gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động
công kích, bôi nhọ, chống phá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, khi được tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mỗi giảng
viên cần: tuyên truyền quá trình triển khai chủ trương tinh gọn bộ máy trong
quá trình tình hình mới; thông tin kịp thời, khách quan các phương án, đề án sắp
xếp, các chế độ, chính sách đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người
lao động chịu tác động, ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ
máy. Động viên, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc
phát huy trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích
chung. Đồng thời mỗi giảng viên viên cần nắm vững các phương pháp nhận diện, phản
bác các quan điểm sai trái, kịp thời phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện
lệch lạc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện
tốt các nhiệm vụ nêu trên, mỗi cán bộ, giảng viên trường chính trị sẽ góp một
phần nhỏ bé vào sự thành công vào cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị do Đảng ta lãnh đạo hiện nay.
ThS. Trần Doãn Quyên
Phó Hiệu trưởng