NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI GIẢNG VIÊN DẠY GIỎI CẤP TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN
Hội thi giảng viên dạy giỏi
cấp trường là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện
phương châm: “Học viên là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền
tảng” và “muốn có học viên giỏi phải có giảng viên giỏi”, góp phần nâng cao
năng lực đội ngũ giảng viên, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của
các trường chính trị. Đây không chỉ là dịp quan trọng để các giảng viên
giảng dạy lý luận chính trị, nhất là những giảng viên trẻ, trao đổi kinh nghiệm
trong hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy,
trau dồi kỹ năng nghiệp vụ sư phạm mà còn là dịp để nhà trường nhận thấy được năng
lực của giảng viên qua các tiêu chí: bản lĩnh chính trị; chuyên môn,
nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; nắm chắc lý luận, am tường thực tế; có khả năng
truyền cảm hứng trong học tập lý luận chính trị, lan tỏa, làm sâu sắc các quan
điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới
học viên nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung.
Năm 2022, Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành Hội thi
giảng viên dạy giỏi cấp trường đúng như kế hoạch ban hành. Tất cả các giảng
viên tham gia đều được công nhận là “Giảng viên dạy giỏi cấp trường”. Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội thi còn tồn tại một số hạn chế nhất
định như: chất lượng giáo án chưa cao, một số giờ giảng vẫn còn thừa và thiếu
thời gian, chưa áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tích cực… để nâng cao hiệu quả tham gia thi giảng
viên dạy giỏi đối với giảng viên các khoa của nhà trường trong các kỳ thi sắp tới, cần thực hiện một số giải pháp
cơ bản như sau:
Một là, lãnh đạo nhà
trường và các khoa chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện
để hoạt động thao giảng trở nên thường xuyên
Lãnh đạo nhà trường và khoa chuyên môn cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc
đào tạo và bồi dưỡng giảng viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và xa hơn nữa là cấp toàn quốc, trong đó cần tập trung bồi dưỡng về
mặt chuyên môn và chuẩn bị về điều kiện nghiên cứu khoa học của giảng viên. Lãnh đạo nhà trường thường xuyên chỉ đạo các khoa chuyên môn thực hiện việc thao giảng, dự giờ cấp khoa. Các
khoa cần có sự định hướng cho giảng viên về việc lựa chọn
bài giảng để thi sao cho phù hợp nhất với trình độ, năng lực của người dự thi,
tránh để lựa chọn theo cảm tính, tham nội dung dẫn đến chất lượng soạn bài và
thực hành giảng không cao. Trong các Hội thi gần đây đã có những đổi mới đáng chú ý như giảng viên dự thi phải có thời gian trực
tiếp giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị từ 02 năm trở lên; phần
thi giáo án và thi giảng, giảng viên dự thi chọn 01 bài trong chương trình
Trung cấp lý luận chính trị sẽ tham gia thi giảng để soạn giáo án. Nếu bài dài
hơn 04 tiết thì soạn hoàn chỉnh 04 tiết liền nhau để đăng ký dự thi, các tiết
còn lại của bài chỉ cần ghi tên mục. Khi thi giảng, giảng viên bắt thăm chọn
tiết giảng trong số 04 tiết giảng đã soạn trong giáo án dự thi. Điều này buộc giảng
viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn trong toàn bộ bài giảng. Nếu như không có
sự chuẩn bị kỹ càng, giảng viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình
thi giảng.
Hai là, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của giảng viên về
vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc tham gia thi giáo viên dạy cấp trường.
Cấp ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa chuyên môn cần thường xuyên quán triệt,
tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho giảng viên về quyền lợi và
nghĩa vụ của giảng viên đối với hoạt động thi giảng viên dạy giỏi cấp trường. Đồng thời có các chế độ khen thưởng phù hợp nhằm
động viên kịp thời các giảng viên dự thi. Thực tế đã cho thấy, bên cạnh
những giảng viên có ý thức rất cao trong quá trình chuẩn bị tham gia hội thi,
vẫn còn có một số giảng viên chưa nhận thức và đánh giá đúng tầm quan trọng của
việc tham gia hội thi, dẫn đến việc chuẩn bị thi các nội dung thi không được kỹ
càng, hoàn thiện.
Ba là, giảng viên tham gia dự thi cần nâng cao chất lượng giáo án dự thi, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sử dụng
phương tiện giảng dạy, rèn luyện về ngôn ngữ, về cách thức giao tiếp với học
viên trong quá trình tham gia giảng dạy.
Trong đó cần tập trung chuẩn bị về giáo
án tham gia dự thi theo đúng quy định, xác định nội dung trọng tâm trong từng tiết giảng, nghiên cứu áp dụng các
phương pháp tích cực phù hợp nhất với từng
nội dung của tiết giảng mà mình dự thi. Đối với việc sử dụng các phương tiện
giảng dạy, giảng viên nên lựa chọn các phương tiện mà bản thân đã quen và sử
dụng thành thục, việc thiết kế các slide bài giảng cần kỹ càng, đẹp mắt, khoa học, rõ
ràng để thu hút được học viên và Ban Giám khảo hội thi. Bên cạnh việc chuẩn
bị giáo án và các nội dung thi giảng trên lớp học, giảng viên cần có sự đầu tư
và chuẩn bị nghiêm túc đối với các nội dung thi viết. Để làm tốt các nội dung của đề thi,
giảng viên ngoài việc nghiên cứu các định hướng thi viết theo quy định của Ban
tổ chức Hội thi, người dự thi cần phải thường xuyên, liên tục nghiên cứu các
quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các vấn đề
thực tiễn đang phát sinh để đưa vào trong bài viết.
Bốn là, nghiên cứu, nắm rõ cơ sở vật
chất, điều kiện phục vụ của nơi tổ chức thi
Trước khi bước vào tiết giảng thi giảng
viên cần chủ động chuẩn bị, tận dụng hết thời gian cho phép theo quy chế để
kiểm tra hội trường thi, phòng thi viết, nắm bắt đối tượng dạy trong giờ thao
giảng, kiểm tra các phương tiện hỗ trợ như: âm lượng micro, kết nối máy tính
với máy chiếu, máy tính với âmly, loa… Thực tế đã cho thấy có một số giảng
viên, trong quá trình giảng thi các phương tiện, công cụ hỗ trợ giảng dạy gặp
trục trặc nhiều lần. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và chất lượng bài
giảng của giảng viên dự thi.
Năm là, cần thực hiện thường xuyên hơn nữa công tác tổ chức rút kinh nghiệm
kịp thời sau mỗi kỳ thi
Cấp ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa chuyên môn và bản thân giảng viên dự thi
cần tích cực thực hiện việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi cấp khoa,
cấp trường. Thông qua đó cần đánh giá thực chất về công tác chuẩn bị của giảng
viên dự thi, các ưu điểm cần phát huy, các hạn chế cần khắc phục. Đồng thời cần
biểu dương, khen thưởng kịp thời những các nhân có thành tích cao trong mỗi kỳ
thi để các giảng viên khác có thể học tập và noi theo. Qua đó nâng cao thành
tích của giảng viên không chỉ trong các kỳ thi trước mắt mà còn các kỳ thi sau
này./.
ThS Triệu Văn Vấn
Giảng viên, Khoa Nhà nước và pháp luật