NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG LẤY PHIẾU PHẢN HỒI TỪ NGƯỜI HỌC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Tổ chức chặt chẽ hoạt động lấy phiếu phản hội từ người học để tham gia đánh giá năng lực sư phạm của giảng viên là một trong những biện pháp hữu hiệu để giám sát và điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học… nhằm cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động dạy học của giảng viên nói chung, giảng viên lý luận chính trị nói riêng. Thực hiện tốt hoạt động này sẽ tạo động cơ, sự theo dõi và điều chỉnh hoạt động giảng dạy, là chất xúc tác để tạo ra sự thay đổi của chính bản thân người học và người dạy với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Hằng năm, thực hiện kế hoạch của Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn về tổ chức hoạt động lấy phiếu phản hồi từ người học nhằm đánh giá thực trạng, chất lượng đội ngũ giảng viên của nhà trường; qua đó, cung cấp thông tin về đội ngũ giảng viên, giúp Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Từ hoạt động này, góp phần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, năng lực sư phạm và nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của học viên trong việc thực hiện các quy chế về đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện để học viên phản ánh chính kiến về bài giảng của giảng viên; nâng cao ý thức, thái độ và chất lượng học tập, nghiên cứu của học viên.

Học viên tham gia đánh giá năng lực sư phạm của đội ngũ giảng viên là việc làm không mới ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Từ xưa đến nay, trong quan niệm của người Việt Nam về người thầy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đã là thầy thì trò không có quyền nhận xét, đánh giá. Chỉ có thầy đánh giá trò. Tuy vậy, theo xu thế phát triển chung của xã hội, việc đánh giá năng lực sư phạm của giảng viên thông qua học viên đã và đang được thực hiện nhiều ở các trường chính trị. Việc thường xuyên kiểm tra hoạt động giảng dạy kết hợp chặt chẽ việc thu thập thông tin về năng lực, phong cách giảng dạy của giảng viên từ phía học viên bằng cách lấy phiếu phản hồi từ người học, là một trong những biện pháp hữu hiệu để giám sát và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Thực chất của việc học viên tham gia đánh giá năng lực sư phạm của giảng viên, là việc lấy ý kiến phản hồi của học viên đối với hoạt động giảng dạy, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng… của giảng viên. Ngoài việc phản hồi về chất lượng các bài giảng, kỹ năng, tri thức học viên thu được từ người thầy, việc làm này còn mang ý nghĩa là sự phản hồi của xã hội đối với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Việc lấy ý kiến của học viên thể hiện mức độ hài lòng của học viên đối với giảng viên, là cơ hội để học viên đóng góp ý kiến với giảng viên, khắc phục tình trạng trao đổi ngoài lề hay tạo ra những dư luận không mang tính xây dựng phía sau giảng đường. Đồng thời hình thức này cung cấp những “thông tin ngược” để giảng viên kiểm tra lại năng lực sư phạm của chính mình. Qua đó giảng viên phát huy những thế mạnh, ưu điểm và khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên nói riêng và chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường nói chung.

Để những thông tin đánh giá năng lực của giảng viên thông qua lấy ý kiến phản hồi của học viên đạt hiệu quả và tính khách quan cao, cần chú ý một số điểm như sau:

- Nâng cao nhận thức đối với giảng viên và học viên về hoạt động học viên tham gia đánh giá giảng viên thông qua phiếu phản hồi.

- Tuỳ theo điều kiện cụ thể, Nhà trường có thể triển khai thực hiện việc học viên tham gia đánh giá năng lực sư phạm của giảng viên dưới nhiều hình thức khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp, khảo sát qua mạng, khảo sát bằng phiếu thăm dò. Trong đó, hình thức phát phiếu thăm dò (sử dụng bảng hỏi) có thể được phát cho mỗi học viên hay nhóm học viên theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hay mẫu có chọn lọc để học viên tham gia đánh giá.

          - Dựa trên tình hình giảng viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường có thể tự xây dựng các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với từng hình thức đào tạo.

         - Lấy phiếu phản hồi từ người học là một hoạt động quan trọng trong việc nỗ lực nâng cao chất lượng giảng viên của Nhà trường nên cần thực hiện nghiêm túc, có quy trình, chuẩn mực cụ thể. Cần từng bước công khai ý kiến đánh giá của học viên đối với năng lực sư phạm của giảng viên

          - Việc đánh giá năng lực sư phạm của giảng viên cần thực hiện đồng thời với việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hết môn học (học phần). Để từ đó, giảng viên cần có ý thức thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, đổi mới phương pháp sư phạm, liên tục làm mới mình thì mới đáp ứng được yêu cầu thiết thực hiện nay.

 

ThS  Hà Thị Vui

Trưởng khoa khoa Xây dựng Đảng

-----------------

Chú thích ảnh bìa: Một tiết giảng của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Phượng Chuyên.

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 151
  • Trong tuần: 1 228
  • Tất cả: 165103

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT