MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG Ở TỈNH BẮC KẠN
anh tin bai

Ảnh: Sưu tầm từ internet

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất tự nhiên 4.859 km2; trong đó, diện tích đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 417.539 ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 73,35%. Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học... Tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tại Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra mục tiêu tổng quát là Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hoá. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản và dược liệu...ˮ; đồng thời, xác định mục tiêu cụ thể trong phát triển lâm nghiệp là “diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500 ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%”.

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rửng của tỉnh Bắc Kạn được nghiêm túc triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đều nhận thức rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Công tác phát triển rừng được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và tuyên truyền, vận động tốt nên Nhân dân đã tích cực trồng rừng theo các chương trình dự án và tự đầu tư. Tỉnh đã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn trồng các loài cây phù hợp từng điều kiện lập địa; ưu tiên trồng các loài cây gỗ lớn đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng rừng trồng; từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm về xâm phạm rừng còn ở mức cao: Năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 557 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, các vụ việc xâm phạm rừng tự nhiên để khai thác gỗ quý hiếm, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên vẫn xảy ra…

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh còn một số hạn chế, nguyên nhân do chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp; việc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý ở một số địa phương chưa thực sự kiên quyết, quyết liệt. Lực lượng Kiểm lâm của tỉnh mỏng, trong khi phải quản lý diện tích rất lớn (trung bình một kiểm lâm viên quản lý 1.951 ha diện tích đất lâm nghiệp và 1.665,8 ha diện tích rừng). Một số địa phương còn xảy ra tình trạng có cán bộ cấp xã, cấp thôn trực tiếp vi phạm hoặc để người nhà vi phạm Luật Lâm nghiệp; một số cán bộ, công chức ở cơ sở thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, còn để xảy ra vi phạm trên địa bàn nhưng chậm phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới; đồng thời, phát huy giá trị bền vững của rừng và kinh tế rừng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền ở các cấp; đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi xâm phạm rừng tự nhiên trái pháp luật; vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng, san ủi đất lâm nghiệp trái pháp luật... Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Ba là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp đảm bảo hài hòa giữa Luật Lâm nghiệp với Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường. Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp; coi trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.

Bốn là, thực hiện việc rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các công trình, dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật.

Năm là. đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu vào sản xuất lâm nghiệp. Tăng cường năng lực hệ thống thông tin và khuyến lâm từ tỉnh xuống cơ sở. Quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất cho trồng rừng, đặc biệt là chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn, trồng rừng cây gỗ lớn.

Sáu là, tăng cường thu hút các nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho người dân ở những khu vực có rừng, nhất là các chương trình, dự án phát triển sinh kế bền vững, du lịch sinh thái, trồng dược liệu dưới tán rừng… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tác động tiêu cực vào rừng; thực hiện có hiệu quả phương châm quản lý rừng tận gốc.

Có thể khẳng định, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới, để tỉnh Bắc Kạn trở thành tỉnh khá trong khu vực và luôn có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước./.

ThS Trần Doãn Quyên

Phó Hiệu trưởng

----------------------------------------

Chú thích ảnh bìa: Rừng trồng ở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Ảnh: Hương Dịu (dẫn theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 42
  • Trong tuần: 553
  • Tất cả: 27044

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT