GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN” CHO THANH NIÊN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong di sản tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã thể hiện những quan điểm cơ bản, toàn diện, sâu sắc về vai trò, nội dung và những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới. Những phẩm chất đạo đức được Người đề cập đều phong phú, hàm súc, phù hợp với từng đối tượng, nhưng cái cốt lõi, quan trọng, bao trùm nhất là phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân”. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên(1).[Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.216].

Phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh không những kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc, mà cònmở rộng phạm vi, tạo nên cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức. Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nước ở đây là nước của dân, còn dân là chủ nhân của đất nước. Hiếu với dân tức là “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đểu ở nơi dân”.

Để giáo dục đạo đức “trung với nước” cho thanh niên tức là giáo dục tình yêu nước, yêu Tổ quốc. Tình yêu đó phải được thể hiện thông qua hành động thiết thực, thông qua các phong trào cách mạng của thế hệ trẻ; yêu nước hay trung với nước là phải phấn đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước, làm sao cho dân giàu, nước mạnh… Người ân cần chỉ bảo: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”(2) [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr.265].

Hiếu với dân” là giáo dục cho thanh niên biết yêu mến, quý trọng nhân dân, học tập, làm việc, chiến đấu vì nhân dân; phải chăm lo cho lợi ích chính đáng của nhân dân, tích cực giúp đỡ nhân dân… “bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3) [Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.90].

Trong thực tế lịch sử, khi đất nước còn chiến tranh, tinh thần yêu nước của thanh niên thể hiện ở ý chí căm thù quân xâm lược, sẵn sàng cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu không sợ hy sinh, gian khổ cho đất nước sạch bóng quân thù. Trong điều kiện hòa bình, phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” của thế hệ thanh niên thể hiện ở quyết tâm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ra sức học tập nâng cao trình độ cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân; thể hiện ở ý chí, bản lĩnh biết vượt qua mọi khó khăn, luôn xung phong gương mẫu trong mọi công việc, mọi nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thế hệ thanh niên với những phẩm chất và năng lực mới đang thực sự là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ sẵn sàng đi tới những nơi khó khăn gian khổ để phấn đấu, rèn luyện và khẳng định mình. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng của tuổi trẻ…Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương điển hình đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó dẫn đến sự lợi dụng của các thế lực thù địch nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”,chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.

Từ thực tiễn đó, giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên theo chuẩn mực đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Một là, chuẩn mực đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là lý tưởng cách mạng cần phải giáo dục cho thanh niên đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Phải làm cho thanh niên nhận thức sâu sắc rằng: vì phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp ấy, mà biết bao chiến sĩ cộng sản, biết bao thế hệ thanh niên của dân tộc đã hy sinh. Qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng thấy được trách nhiệm của mình đối với non sông, đất nước.

Hai là, giáo dục phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” là giáo dục cho thanh niên ý thức về trách nhiệm của tuổi trẻ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó giúp họ có động cơ, mục đích phấn đấu vươn lên; nâng cao ý thức làm chủ; lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo; có ước mơ, hoài bão, vững vàng tiếp bước các thế hệ đi trước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là, giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên cần gắn với hoạt động thực tiễn và tạo thành các phong trào của tuổi trẻ. Từ đó khơi dậy, giáo dục cho thanh niên tình cảm, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần cống hiến, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, từng bước khắc phục chủ nghĩa cá nhân ích lỷ, lối sống thụ hưởng, giúp cho thanh niên có thêm hành trang quan trọng trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Bốn là, giáo dục phẩm chất đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” nói riêng và đạo đức cách mạng nói chung cho thanh niên là một quá trình từ thấp đến cao với những nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp với đặc điểm, tâm lý; phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng và phải được tiến hành thông qua các hoạt động của thanh niên trong học tập, lao động, công tác xã hội… Đây được coi là việc làm thường xuyên, lâu dài của thanh niên.

Sự phát triển của đất nước phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với những cơ hội, thuận lợi mới, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm hình thành một lớp thanh niên ưu tú, vững vàng về chính trị, kiên định lý tưởng cao đẹp, sống có văn hóa và tình nghĩa. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách mà Đảng ta đã xác định để nước nhà có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay và sự trường tồn của dân tộc ta trong tương lai./.

ThS Nguyễn Thị Thu Huyền

  Giảng viên, Khoa Lý luận cơ sở

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 521
  • Tất cả: 27012

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT