GIẢNG VIÊN VÀ HỌC VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH THEO TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Lê Quyết Thắng viết 4 bài báo nổi tiếng đăng trên báo Cứu Quốc “Thế nào là Cần” đăng ngày 30/5/1949; “Thế nào là Kiệm” đăng ngày 31/5/1949; “Thế nào là Liêm” đăng ngày 01/6/1949; “Thế nào là Chính” đăng ngày 02/6/1949. Trong bài viết “Thế nào là Cần” đăng ngày 30/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người”

Lời dạy của Bác, đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự, do đó, rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một việc làm quan trọng và cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh Cần: Nghĩa là lao động cần cù, siêng năng, thậm chí cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Theo Bác, con người có đức cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Đúng như câu tục ngữ kiến tha lâu cũng đầy tổ, nước chảy mãi đá cũng mòn. Bác lưu ý, kẻ địch của chữ cần là lười biếng. Bác cho rằng nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng thì khác nào toàn chuyến xe đang chạy, mà có một bánh trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Kiệm: Là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân; phải tiết kiệm từ cái lớn đến cái nhỏ, không phô trương hình thức, không xa xỉ, hoang phí. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như nước đổ vào cái thùng không đáy, làm chừng nào xào chừng ấy, rốt cuộc không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm và không phát triển được. Bác giải thích, tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không đáng tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm.

Liêm: Là trong sạch, là luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ đóa. Bác đã nhắc lại một số ý kiến của các bậc hiền triết ngày trước: Khổng Tử nói: “Người mà không liêm thì không bằng súc vật”; Mạnh Tử cho rằng: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Do vậy, Bác yêu cầu mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực hiện tốt chữ liêm, chữ liêm và chữ kiệm phải đi đôi với nhau như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm thì mới có liêm được, bởi xa xỉ ắt sinh tham lam, không giữ được liêm.

Chính: Là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì là không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Nói về chính, Bác viết: Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn hảo. Trên quả đất có hàng muôn triệu người sống, số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc, song, những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: Việc chính và việc tà. Làm việc chính là người thiện. Làm việc tà là người tà. Cần, kiệm, liêm, là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả, mới là hoàn hảo. Một người cần phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn hảo.

Tư tưởng v đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Trải qua thời gian và thử thách, trước những biến cố thăng trầm của lịch sử, những phẩm chất đạo đức đó vẫn còn nguyên giá trị.

          Thấm nhuần lời Bác dạy, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng rèn luyện, nâng cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính song song với quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chi uỷ, Ban Giám hiệu Nhà Trường đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên kiên định định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời giáo dục, rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên còn nhằm thực hiện Đề án số 05 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn. Mỗi cán bộ, giảng viên và học viên đều giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được đồng nghiệp yêu mến, giảng viên được học viên quý trọng. Giảng viên của Trường còn lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức cần, kiệm, liêm, chính trong các bài giảng để tuyên truyền, quán triệt đến học viên. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị còn thực hiện thường xuyên việc tự phê bình và phê bình, nhằm đánh giá, góp ý để phát huy ưu điểm, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm và có giải pháp khắc phục, sửa chữa hiệu quả, hoàn thiện bản thân và tập thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính của một số cán bộ, giảng viên và học viên Nhà Trường đôi lúc chưa thường xuyên, còn có biểu hiện chưa thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.

Để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế nhằm tăng cường rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chi ủy Chi bộ cần đẩy mạnh việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên

Tăng cường sự lãnh đạo của Chi ủy Chi bộ đối với công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên có phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; có đạo đức, lối sống lành mạnh; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI,XII) và các Nghị quyết Trung ương khóa XIII; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Quy định số 01-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy,… Cần thường xuyên lồng ghép, đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính bằng nhiều hình thức vào bài giảng trên lớp cho học viên.

Thứ hai, cần phát huy hơn nữa tính tự giác tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý, người đứng đầu

Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải tích cực học tập; phải luôn có ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thật sự mẫu mực về đạo đức, lối sống, thẳng thắn, chân thành để đồng nghiệp, học viên học tập và làm theo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, quản lý cần phải nêu gương trong việc tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Thứ ba, mỗi cán bộ, giảng viên và học viên phải nghiêm túc thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

          Để nâng cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, mỗi cán bộ, giảng viên và học viên cần có thái độ học tập và làm theo Bác một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao; thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, các việc làm thiết thực, ý nghĩa, điển hình, từ đó tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm cho việc thực hành đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, giảng viên viên, học viên. Kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

Thứ tư, toàn thể chi bộ và đảng viên nêu cao việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác

Mỗi cán bộ, giảng viên học viên của Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn cần phát huy tốt nhất vai trò của mình, thực hiện đúng nguyên tắc, nêu cao tự phê bình và phê bình, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trước hết là những cán bộ chủ chốt, đứng đầu. Đây là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định nâng cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính của đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện nay. Chỉ có đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế từ đó mới có những biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.

Như vậy, tăng cường rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính là bài học lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc và quý báu, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn cần phải xem đây là nhu cầu thiết yếu, là công việc bền bỉ, phải làm thường xuyên như “đánh răng”, “rửa mặt” hàng ngày, bởi vì “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” để xứng đáng với sự tin tưởng, mong mỏi của Bác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng Đảng và phục vụ tốt cho nhân dân./.

--------------------

ThS Phạm Thu Thủy

Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 203
  • Trong tuần: 1 955
  • Tất cả: 163663

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT