GIẢI PHÁP PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC MÔ HÌNH TỰ QUẢN CỦA CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể triển khai hết sức sâu rộng đã đạt được những kết quả tích cực, tính đến hết năm 2024 tỉnh có 28 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 04 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 74 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả tỉnh đạt 12,79 tiêu chí/xã. Tuy vậy, so với chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 08/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thì kết quả đạt được chưa đạt được so với mục đích đã đề ra. Nguyên nhân của kết quả đạt được còn có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan là: Nhiều hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo; một số hộ nghèo có tư tưởng không muốn thoát nghèo, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tâm lý của người dân, cán bộ không muốn về đích nông thôn mới do một số chính sách sẽ bị cắt sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là nhiều người dân còn có tâm lý coi xây dựng nông thôn mới là công việc của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp nên chưa nỗ lực cố gắng chung sức, đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị ở cơ sở hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của thôn và xã.

Mô hình tự quản cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố được hiểu là tổ, nhóm hộ gia đình, cá nhân trong cùng một địa bàn dân cư cùng nhau tổ chức, quản lý, thực hiện các hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động liên quan đến đời sống, lao động, sinh hoạt của mình ở cộng đồng. Theo Hướng dẫn số 661, 662 /HĐ-UBND, ngày 10/8/2022 thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, để hoàn thiện một số tiêu chí đều có quy định về việc xã, thôn phải có mô hình tự quản như các Tiêu chí số 13- tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn; cần có mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều mô hình tự quản với các mô hình được triển khai khá hiệu quả như mô hình “Khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”, khu dân cư “3 không”, “Khu dân cư văn hóa an toàn giao thông”, “Khu dân cư xây dựng nông thôn mới”, “Đoạn suối tự quản” tại một số xã của huyện Pác Nặm. Mô hình nhóm tiết kiệm tự quản tại một số chi hội phụ nữ trên địa tỉnh đã và đang giúp cho nhiều chị em phụ nữ tiếp cận được với nguồn vay để phát triển kinh tế. Đặc biệt với mô hình “Hộ an toàn - Thôn, bản, tổ dân phố bình yên” trên toàn tỉnh, đến thời điểm hiện nay, mô hình đã được xây dựng và nhân rộng tại 847/1.310 thôn, tổ dân phố thuộc 108 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với 76.303 hộ tham gia...

Các mô hình tự quản của cộng đồng hoạt động hiệu quả đã góp phần hiện thực hóa một số tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại một số xã và thôn. Các mô hình tự quản sẽ hoạt động hiệu quả vì luôn thực hiện các hoạt động hướng tới mục tiêu chung trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm của các thành viên tham gia mô hình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc ở cơ sở góp phần cùng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của thôn và xã.

Thực tiễn cho thấy trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí tiêu chí xã, thôn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, ngoài các tiêu chí đặt ra yêu cầu phải có mô hình tự quản như theo Hướng dẫn số 661/HĐ-UBND và Hướng dẫn số 661/HĐ-UBND ngày 10/8/2022, thì còn nhiều tiêu chí nếu có mô hình tự quản cùng tham gia thực hiện như: Tiêu chí số 11- Nghèo đa chiều; Tiêu chí số 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; Tiêu chí số 13- Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thì thời gian hoàn thành các tiêu chí này của xã và thôn sẽ sớm hơn. Để công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện nay cần làm tốt các giải pháp sau:

   Một là, cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành đoàn thể từ xã đến thôn, khu dân cư, sự đồng thuận của nhân dân; mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng khu dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn.

   Hai là, để tránh chồng chéo, trùng lặp trong xây dựng mô hình, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần phải chủ trì rà soát, đánh giá để thống nhất với các đoàn thể trong xây dựng mô hình. Đồng thời sáng tạo trong việc đề xuất xây dựng mô hình phù hợp với từng địa phương, cơ sở.

   Ba là, Ban công tác Mặt trận các cấp nhất là cấp cơ sở cần tiếp tục vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong hành động. Kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng nhân dân để đề xuất cho cấp ủy, chính quyền những vấn đề cần giải quyết, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

   Bốn là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần đẩy mạnh việc phối hợp thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, vận động nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đảng viên nơi cư trú...

--------------

ThS Trần Doãn Quyên

Phó Hiệu trưởng

 

Chú thích ảnh bìa: Phụ nữ thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) quét dọn đường giao thông (nguồn ảnh: Báo Bắc Kạn online)

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 47
  • Trong tuần: 1 007
  • Tất cả: 174592

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT