DÂY CHUYỀN NGHIỀN CÁT NHÂN TẠO - SÁNG TẠO TRONG TƯ DUY KINH TẾ TẠI HUYỆN CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN GÓP PHẦN GIẢI BÀI TOÁN VỀ CUNG CẤP VẬT LIỆU XÂY DỰNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÔ THỊ HÓA TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Nền kinh tế nước ta đang phát triển với tốc độ cao, kéo theo tốc độ đô thị
hóa ngày càng mạnh mẽ và sự gia tăng của công nghiệp xây dựng: Từ phát triển mạng
lưới hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn;
cho đến sự “nhộn nhịp” tại các công trường xây dựng phục vụ cho khu vực hành
chính, sự nghiệp, khu công nghiệp và xây dựng dân dụng… Điều đó dẫn đến nhu cầu
về vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao, trong đó có cát xây dựng. Tuy nhiên,
lượng cát sông đang ngày càng cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, một doanh nghiệp tại
huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã sáng tạo trong tư duy kinh tế, đưa dây chuyền
nghiền cát nhân tạo vào sản xuất, góp phần giải bài toán về cung cấp vật liệu
xây dựng, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa tại địa phương.
“Cơn khát” về cát xây dựng đã từng là trăn trở để hình thành nên mô hình,
cách làm mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất cát cho xây dựng như Hệ thống
thiết bị sàng rửa cát nhiễm mặn, nhiễm bẩn của kỹ sư Võ Tấn Dũng (Công ty TNHH
xây dựng, thương mại, vận tải Phan Thành, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đến nay,
“cơn khát” ấy cũng đã thúc đẩy một doanh nghiệp của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
mạnh dạn đầu tư mua sắm công nghệ, dây chuyền thiết bị để tham gia sản xuất cát
phục vụ cho phát triển công nghiệp xây dựng trên địa bàn và khu vực lân cận.
Công ty TNHH MTV khoáng sản và thương mại Đồng Nam là một doanh nghiệp tại
huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Công ty vốn là cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng,
được thành lập năm 1993, đến năm 1995 mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng được Công ty thực hiện tại mỏ
đá Lũng Váng, Tổ 17, thị trấn Bằng
Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ngày 22/01/2024, Sở Xây dựng tỉnh Bắc
Kạn đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty về công bố hợp quy cho sản phẩm cát nghiền
cho bê tông và vữa. Sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm,
hàng hóa vật liệu xây dựng QCVN 16:2023/BXD. Công bố hợp quy có giá trị đến
ngày 17/01/2027, trên cơ sở được đánh giá giám sát định kỳ hằng năm. Đây là
doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh Bắc Kạn sản xuất cát nhân tạo có đủ hồ sơ hợp
quy, hợp chuẩn.
Sáng 06/6/2024, tại mỏ đá Lũng Váng, huyện Chợ Đồn, Công ty đã chính thức
đưa dây chuyền nghiền cát vào hoạt động sản xuất. Loại cát này được tạo thành từ
việc nghiền các loại đá trong tự nhiên như đã vôi, đá ong, đá granit, cuội sỏi,
cát kết, đá mi sàng, đá mi bụi… Sản phẩm sau khi nghiền đảm bảo các tính chất về
cơ, lý, hóa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất bê tông và vữa xây dựng với
chất lượng ổn định, có thể sử dụng để thay thế cát tự nhiên truyền thống (cát
sông).
Đồng chí Ma Thị Na - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tham quan dây chuyền nghiền cát nhân tạo tại mỏ Lũng Váng. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Cát nghiền nhân tạo sẽ góp phần đa dạng hóa các loại sản phẩm của Công
ty, gia tăng giá trị chung của doanh nghiệp. Giá thành của cát nghiền nhân tạo
dự kiến bán ra thị trường giảm so với cát sông tự nhiên khoảng từ 30 - 40%, như
vậy, có thể tiết kiệm chi phí cho công nghiệp xây dựng.
Bằng việc tiên phong trong đưa dây chuyền nghiền cát nhân tạo vào sản xuất
với hồ sơ hợp quy, hợp chuẩn, Công ty TNHH MTV khoáng sản và thương mại Đồng
Nam đã nắm bắt nhanh tình hình thực tế và nhu cầu thị trường, hiểu rõ đặc điểm
lợi thế của doanh nghiệp mình, đồng thời thể hiện sự năng động, sáng tạo trong
sản xuất, kinh doanh, là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn
có hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.
Tuy nhiên, để cân bằng hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, tránh
khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững, ngành chức
năng quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần chú trọng, quan tâm,
thực hiện tốt một số điểm như sau:
Thứ nhất, tối ưu hóa quy trình
sản xuất, ứng dụng máy móc công nghệ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và sản
phẩm đầu ra tương ứng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, đánh giá sát thực tế
trữ lượng và quy định chặt chẽ hạn mức khai thác, kiểm tra, giám sát hoạt động khai
thác. Doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về công suất khai thác tài nguyên.
Thứ ba, tiếp tục phát huy tinh
thần sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp trong ứng dụng thành tựu khoa học công
nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm nguồn lực, tài
nguyên, bên cạnh vật liệu truyền thống, chủ động nghiên cứu, phát minh, sáng chế,
đề xuất quy trình sản xuất vật liệu mới, thân thiện môi trường./.
--------------------------------------------
ThS Triệu Thị Phượng
Chuyên
Chuyên viên Phòng
QLĐT&NCKH