CÔNG TÁC DÂN TỘC VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN HIỆN NAY
Công tác dân tộc và thực hiện chính
sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng
của Đảng và Nhà nước ta. Có thể khẳng định, chính sách dân tộc
của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương
trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, chính sách dân
tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu
thực tiễn và sự phát triển của đất nước.
Là
tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ, Bắc Kạn có 108/108 (100%) xã, phường, thị trấn thuộc
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 67 xã khu vực III, 07 xã khu
vực II, 34 xã khu vực I theo Quyết định
số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND
tỉnh ban hành một số văn bản để lãnh đạo chỉ đạo, triển khai công tác dân tộc như:
Chỉ thị số 06-CT/TU,
ngày 29/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với công tác dân tộc trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030;
Kế hoạch số 448/KH-UBND, ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị
06-CT/TU, ngày 29/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 303/KH-UBND
ngày 4/6/2020 của UBND tỉnh Triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30
tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình
mới; Kế hoạch số 379/KH-UBND, ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh triển khai, thực
hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế
hoạch số 312/KH-UBND, ngày 07/6/2021 tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn đến năm
2025...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của
chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chương trình, chính
sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm lãnh
đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả. Đời sống vật
chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng
ngày càng được cải thiện, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích
cực, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu hoàn thành đưa vào sử dụng đã thúc đẩy
kinh tế xã hội phát triển làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn theo hướng văn
minh hiện đại. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất
tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ
lệ hộ nghèo và số hộ nghèo giảm, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ
29,40% xuống còn 18,50% (bình quân mỗi năm giảm 2,18%); giai đoạn 2021-2023 tỷ
lệ hộ nghèo giảm từ 27,37% xuống còn 21,95% (bình quân mỗi năm giảm 2,71%),
trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại tỉnh năm 2023 là 24,49% giảm 3,45%
so với năm 2022, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Tổ
chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)
giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đây là chương trình lớn với nhiều
dự án thành phần, nhiều lĩnh vực và đầu tư triển khai phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh
đó tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào
Dân tộc thiểu số (DTTS) như: Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên vùng dân tộc
thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách y tế cho người dân tộc thiểu số;
Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa trong vùng dân tộc thiểu số…đồng thời
thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, công tác theo dõi, kiểm tra, nắm
chắc địa bàn vùng dân tộc thiểu số để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm
đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc.
Tuy nhiên, trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh Bắc
Kạn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Đồng bào dân tộc thiểu số chủ
yếu sinh sống ở vùng núi cao, phân tán, không tập trung nên khó khăn cho việc
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu và suất đầu tư lớn,
trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế, nguồn lực đầu tư các chương trình
chủ yếu từ ngân sách Trung ương do đó cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS nhiều
nơi còn thiếu và chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện lưới,
giáo dục, y tế...một số công trình hạ tầng đã đầu tư từ những giai đoạn trước
đã xuống cấp nhưng thiếu nguồn lực để cải tạo, nâng cấp nên chưa phục vụ hiệu
quả nhu cầu của nhân dân.
Vùng đồng bào DTTS&MN điều kiện kinh tế -
xã hội còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, các
xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa
mang tính hàng hóa, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn
chế, việc tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa còn gặp khó khăn, thu nhập
không ổn định nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự đảm bảo
và thiếu tính bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao, kết quả giảm nghèo chưa
thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.
Nguồn lực thực hiện công tác dân tộc chủ yếu
là ngân sách trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương trong khi một số Đề
án, Dự án, chính sách dân tộc do Trung ương ban hành có mục tiêu lớn nhưng giao
cho tỉnh cân đối nguồn kinh phí thực hiện nên chưa đáp ứng nhu cầu và khó đạt
mục tiêu đề ra.
Công tác dân tộc là lĩnh vực liên quan đến
nhiều cấp, nhiều ngành, trong khi đội ngũ làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến
cơ sở còn ít chưa tương ứng với nhiệm vụ được giao. Quá trình triển khai thực
hiện các chương trình, chính sách dân tộc phát sinh nhiều bất cập, hệ thống văn
bản hướng dẫn nhiều nhưng chưa đầy đủ, chưa thống nhất và kịp thời làm ảnh
hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Để tổ chức, triển khai thực hiện tốt hơn nữa công
tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm
vụ và giải pháp sau:
Thứ nhất,
tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, xác định công tác dân tộc
là trách nhiệm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt các chính
sách xã hội, chính sách dân tộc, phát triển giáo dục, đào tạo, việc làm, y tế,
văn hóa...tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất,
điện, nước sinh hoạt, đồng thời đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập,
cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, phát huy tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng
tạo để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện có
hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, trọng tâm là các Chương trình
mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển
công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; tập trung ưu tiên triển khai xây
dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu; các dự án phát triển sản xuất theo
hướng sản xuất hàng hóa, mỗi xã, phường một sản phẩm. Khuyến khích đồng bào dân
tộc thiểu số tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển thêm các sản
phẩm có thương hiệu của tỉnh Bắc Kạn.
Thứ ba,
tiếp tục triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng
bào DTTS&MN. Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai
trò đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, người có uy tín
trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo...tham gia phát
triển kinh tế, văn hóa xã hội; bảo vệ, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ
gìn trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thứ tư,
nâng cao hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện
tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác phát triển đảng
trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm làm
công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng lực lượng cốt cán,
phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực cải
cách hành chính, chuyển đổi số, trong đó lấy phát triển công dân số là nhiệm vụ
đột phá. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện nâng cao
bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc
vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với
việc xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể trong sạch,
vững mạnh.
Thứ năm,
tăng cường công tác nắm tình hình tại cơ sở, công tác kiểm tra, giám sát, kịp
thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc tại cơ sở; thường xuyên phối hợp chặt chẽ
giữa các ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai công tác dân
tộc và thực hiện các chính sách dân tộc. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc
thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hiện nay./.
ThS
Hà Thị Vui
Trưởng khoa Xây dựng Đảng