CHI BỘ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN THỰC HIỆN “HỌC VÀ LÀM THEO BÁO, TẠP CHÍ CỦA ĐẢNG” TẠI KỲ SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 5 NĂM 2023

Thực hiện mô hình “Học và làm theo báo, tạp chí của Đảng” Tổ đảng Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đã triển khai, phân công cho các đảng viên đọc, nghiên cứu, tổng hợp các mô hình, giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Báo Bắc Kạn. Qua nghiên cứu, tổng hợp, Tổ đảng Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học đã lựa chọn được ba bài viết tiêu biểu trong các lĩnh vực: Giảng dạy lý luận chính trị, giáo dục và đào tạo bậc phổ thông và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong đó, tiêu biểu về lĩnh vực giảng dạy lý luận chính trị có bài viết “Đổi mới công tác đánh giá nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị” của tác giả Hà Thị Bích Thủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Cộng sản đã khẳng định đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đang giảng dạy tại các nhà trường, học viện, trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm giáo dục chính trị cấp huyện đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị, bản lĩnh, ý chí cách mạng cho học viên. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay còn không ít bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ này, trong đó có đổi mới công tác đánh giá giảng viên. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tầm quan trọng của công tác đánh giá với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tác giả đã đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở Việt Nam thông qua đổi mới công tác đánh giá giảng viên: Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đánh giá giảng viên lý luận chính trị; Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức đánh giá giảng viên lý luận chính trị; Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực của giảng viên trong tự đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp; Bốn là, phát huy vai trò của người học trong tham gia đánh giá giảng viên lý luận chính trị; Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đánh giá giảng viên lý luận chính trị. Những giải pháp nêu trên là một cơ sở để Trường vận dụng vào đánh giá đội ngũ giảng viên, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo bậc phổ thông, có bài viết “Xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” ở Yên Bái” của tác giả Thanh Sơn và Long Thành đăng trên Báo Nhân dân số 24649 đề cập đến một mô hình hay trong ngành giáo dục hướng đến mục tiêu “100% học sinh đều thích được đến lớp”. Tỉnh Yên Bái đã ban hành bộ tiêu chí tạm thời về “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh với ba nhóm tiêu chí: Môi trường nhà trường, tổ chức dạy học, hoạt động dạy học và các mối quan hệ trong nhà trường.Trên cơ sở này, các trường xây dựng theo tiêu chí “Trường học hạnh phúc” sẽ có sự thay đổi về tư duy giáo dục. Đó là, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực, bảo đảm mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện. Tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp năng lực vì sự tiến bộ của học sinh; không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc kiến thức và hạn chế được tình trạng học thụ động, bệnh thành tích… Các trường học đã tăng cường áp dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh. “Trường học hạnh phúc” thực sự là nơi mà giáo viên và học sinh khi đến trường thật sự là một ngày vui và ý nghĩa; là nơi không có bạo lực học đường, không có sự xúc phạm về danh dự, nhân phẩm của giáo viên và học sinh; không có áp lực về điểm số. Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành giáo dục, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng giáo dục và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Từ phong trào này, cơ sở vật chất, môi trường, cảnh quan khuôn viên nhà trường có nhiều sự thay đổi theo hướng thân thiện, thoáng mát, có nhiều không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm hứng cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh khi tham gia giảng dạy, học tập. Các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học được triển khai đồng bộ, rõ nét hơn; cách ứng xử của thầy, cô giáo, học sinh có nhiều thay đổi tích cực; khoảng cách giữa cán bộ quản lý với giáo viên, thầy, cô giáo với học sinh, gia đình với nhà trường ngày càng được rút ngắn lại, gần gũi hơn, thân thiện hơn… Từ mô hình “Trường học hạnh phúc” của Yên Bái, Cấp ủy, Ban Giám hiệu và mỗi cán bộ, đảng viên hãy suy nghĩ, vận dụng để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn thành một trường học hạnh phúc trong đó mỗi cán bộ, giảng viên cảm thấy hạnh phúc khi tới trường, học viên cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia học tập lý luận chính trị.

Điển hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn có bài viết “Xây dựng sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bước phát triển trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa” của tác giả Thu Trang đăng trên Báo Bắc Kạn, số đặc biệt 4653+4654+4655+4656 khẳng định việc xây dựng các sản phẩm đặc sản, đặc hữu là một định hướng đúng đắn của tỉnh. Sản phẩm đặc hữu là sản phẩm từ một loại cây hoặc con chỉ sống và tồn tại riêng ở một khu vực địa lý, trong một không gian với điều kiện về đất, nước, khí hậu riêng của vùng. Vùng đất có sản phẩm đặc hữu sẽ độc quyền riêng một loại sản phẩm. Chính tính “độc quyền” ấy là lợi thế, là điều kiện cho một số địa phương đó phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Bài báo khẳng định, thời gian vừa qua tỉnh đã phát triển được một số sản phẩm đặc sản, đặc hữu như Gạo bao thai, Khẩu Nua pái ở Chợ Đồn; Khẩu Nua Lếch ở Ngân Sơn; nếp tài ở xã Yến Dương huyện Ba Bể, gạo Japonica ở Chợ Đồn, Bạch Thông, Pác Nặm; bí xanh thơm Ba Bể, hồng không hạt Chợ Đồn, dẻ ván Ngân Sơn… Trên cơ sở nghiên cứu nội dung bài báo các đồng chí giảng viên lồng ghép giới thiệu, tuyên truyền về các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh trong các bài giảng có nội dung phù hợp và viết bài đăng báo, tạp chí quảng bá sản phẩm của tỉnh, làm các đề tài nghiên cứu khoa học đưa ra các giải pháp để sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh có thể phát triển tốt hơn.

Việc “Học và làm theo báo, tạp chí của Đảng” sẽ được Chi bộ Trường Chính trị tỉnh triển khai đều đặn trong các kỳ sinh hoạt hằng tháng tiếp theo của Chi bộ. Thông qua việc đọc báo, tạp chí của Đảng giúp đảng viên nhà trường trang bị thêm kiến thức lý luận phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Từ đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên./.

ThS Cù Thị Thu Trang

 Phó Trưởng phòng phụ trách

Phòng QLĐT&NCKH

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 236
  • Trong tuần: 747
  • Tất cả: 27238

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT