CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THỰC HIỆN TỐT TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG NHẰM GÓP PHẦN CHỐNG LẠI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Thực tiễn
cách mạng nước ta qua các thời kỳ đã chứng minh, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh
nào, dù ở vào tình thế khó khăn, hiểm nguy nhất, nhưng nếu đội ngũ cán bộ, đảng
viên phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân, thì sức mạnh lãnh đạo của Đảng được bảo đảm, niềm tin của nhân dân
đối với Đảng được nâng lên, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Có thể khẳng định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng là nhân tố tạo
ra nguồn lực, động lực của cách mạng, sức mạnh nội sinh to lớn của công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Niềm tin đó không phải chỉ xuất phát từ sự đúng đắn của đường lối, chủ trương,
quyết sách của Đảng trên các lĩnh vực; từ bản lĩnh, trách nhiệm của Đảng trong
nhận thức và sự nghiêm túc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, mà còn xuất
phát từ chính tư cách đạo đức, tính tiền phong, gương mẫu của hàng triệu cán bộ,
đảng viên.
Thời gian
quan, các thế lực thù địch đã không ngừng xuyên tạc, phủ định học thuyết Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng đưa ra những luận điểm sai trái để hạ thấp uy tín, làm mất lòng tin của
nhân dân đối với cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước
ta. Các thế lực thù địch đã tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất
bản ở nước ngoài, các kênh Facebook, youtube… để tung những tin xấu độc hòng
chuyển hóa, phá hoại chế độ chính trị ở nước ta nhằm truyền bá những tư tưởng
chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng còn lợi dụng hình ảnh của một số cán bộ, đảng viên
thoái hóa, biến chất để bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ ta… Chính vì vậy, để củng
cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực
thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hơn ai hết, cán bộ, đảng
viên phải là người gưỡng mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của nhà nước.
Hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cấp
ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên,
trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng,
rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thậm
chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực trạng
đó không chỉ gây bức xúc trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với
Đảng và Nhà nước, mà còn làm suy yếu năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng;
đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, nếu không được ngăn chặn, khắc phục.
Trước thực trạng này, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải
pháp về trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên như sau:
Thứ nhất, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần nắm vững quan
điểm Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về nêu
gương, từ đó xác định các tiêu chí, quy định về nêu gương của cán bộ các cấp
phù hợp với thực tiễn đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ từng cấp. Kịp
thời động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám
làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử
thách, quyết tâm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị;
nhất là đồng chí Bí thư cấp ủy luôn chủ động nghiên cứu, tích cực làm tốt công
tác tuyên truyền, đồng thời đề ra nhiều hình thức, biện pháp linh hoạt, phù hợp,
nhằm phát huy tính tích cực, tự giác của từng cán bộ, đảng viên, quần chúng
trong thực hiện việc nêu gương, gắn với đấu tranh phê bình và tự phê bình với
những hành vi sai trái, thiếu chuẩn mực trong cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kết hợp với
sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển
hình tiên tiến về thực hiện trách nhiệm nêu gương; đồng thời chấn chỉnh, khắc
phục những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, trách
nhiệm thực hiện nêu gương, xem đây là nhu cầu tự thân, ý thức tự giác của mỗi
người. Xác định đúng trách nhiệm chính trị, thái độ, động cơ, nghiêm khắc về
trách nhiệm thực hiện nêu gương, tự phê bình và phê bình. Mỗi cá nhân cần đánh giá
đúng bản thân, nhận rõ ưu điểm để phát huy, thấy hết hạn chế, khuyết điểm để
kiên quyết sửa chữa, khắc phục; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định
nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp nêu gương phù hợp với chức
trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là người đứng
đầu các cơ quan, đơn vị cần phải nghiêm khắc với bản thân mình, nhất không ngừng
tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống;
phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm đi đầu trong phẩm
chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, mỗi đảng viên cần gương mẫu nghiên cứu chủ nghĩa Mac – Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin theo quy
định của Hiến pháp và Pháp luật. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực
hiện điều lệ và quy định kỷ luật Đảng, của tổ chức mà mình là thành viên, phải
đề cao ý thức trách nhiệm bản thân; biết chọn lọc và kiểm chứng các thông tin
trước khi bình luận, tán đồng, chia sẻ. Không lưu trữ, cung cấp, đăng tải, tán
đồng, chia sẻ, phát tán những thông tin xấu độc, giả mạo, xuyên tạc, vu khống….trên
không gian mạng./.
ThS Phùng Thị Thu Phương
Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng