ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY MÔN XÂY DỰNG ĐẢNG TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN HIỆN NAY

 Phương pháp giảng dạy là tổng hợp những cách thức, biện pháp mà giảng viên sử dụng để trình bày, truyền đạt kiến thức, hình thành kỹ xảo, kỹ năng, tổ chức và kiểm tra hoạt động nhận thức của người học. Do có sự khác nhau về nội dung mà mỗi  môn học có phương pháp truyền tải riêng phù hợp với đặc điểm của môn học đó. Nắm vững các đặc điểm phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng có ý nghĩa rất sâu sắc đối với giảng viên Khoa Xây dựng Đảng nói chung và giảng viên trực tiếp dạy môn Xây dựng Đảng nói riêng. Để giảng các bài trong môn Xây dựng Đảng có chất lượng, đòi hỏi giảng viên phải linh hoạt, sáng tạo và sử dụng các phương pháp, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại. Đồng thời, từng giảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ sư phạm để nâng cao  chất lượng bài giảng, đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Nội dung môn học Xây dựng Đảng trang bị những kiến thức cơ bản và thiết thực như: Học thuyết Mác-Lênin về đảng cộng sản; Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam; Công tác đảng viên, công tác tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng... Hình thức giảng dạy môn Xây dựng Đảng ở Trường Chính trị tỉnh cho các đối tượng học viên bao gồm: Giảng bài, thảo luận trên lớp với tổng số 72 tiết và đánh giá kết quả bằng hình thức thi viết hoặc thi vấn đáp. Xây dựng Đảng là môn học có nhiều khái niệm, thuật ngữ, nội dung rất chặt chẽ, cụ thể, nên đòi hỏi người học vừa phải có tư duy khái quát vừa phải có tư duy cụ thể, trí nhớ tốt. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải có nghệ thuật trong sử dụng các phương pháp dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học viên khi học môn Xây dựng Đảng.

Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là sự thay thế phương pháp giảng dạy hiện có bằng phương pháp giảng dạy mới. Mà đó là sự vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy đã được xác định trong khoa học sư phạm. Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng là quá trình vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng truyền đạt kiến thức về Xây dựng Đảng, hình thành kỹ năng, tổ chức và kiểm tra hoạt động nhận thức của học viên khi học môn Xây dựng Đảng. Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng là quá trình diễn ra thường xuyên liên tục, phù hợp với đặc điểm, điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện có của Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở.

 Những năm qua, thực hiện chủ trương của Học viên chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường chính trị tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm tới việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học do khoa đảm nhiệm, trong đó có môn Xây dựng Đảng. Đội ngũ giảng viên trong khoa luôn ý thức về vai trò của mình trong đổi mới phương pháp giảng dạy, luôn giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ tiến trình giảng dạy, thực thi kế hoạch giảng dạy, tổ chức, điều khiển học viên thực hiện các nhiệm vụ học tập, chỉ dẫn, giúp đỡ học viên học tập, rèn luyện đồng thời kiểm tra, uốn nắn, các sai sót của học viên nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của bài học. Những hoạt động đó đều gắn với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải tích luỹ tri thức, kinh nghiệm giảng dạy làm cơ sở cho việc đổi mới.

Để đổi mới phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng tại trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn hiện nay đạt hiệu quả cao, cần chú ý một số điểm như sau:

         Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng phải là kế thừa và phát huy những hạt nhân hợp lý của các phương pháp giảng dạy truyền thống. Đồng thời, tích cực cải tiến, đổi mới làm cho các phương pháp giảng dạy truyền thống ngày càng phát triển phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy môn Xây dựng Đảng hiện nay của Nhà trường.

       Thứ hai, vận dụng linh hoạt, sử dụng đa dạng các phương pháp, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, nhất là phương pháp dạy học hiện đại, phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong tìm kiếm, lĩnh hội tri thức; lấy người học làm trung tâm để đổi mới phương pháp giảng dạy; lấy nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo làm mục đích.

      Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy môn Xây dựng Đảng phải tiến hành đồng thời với nội dung bài giảng, thiết kế giáo án; coi trọng xây dựng giáo án, bài giảng điện tử, tích cực sử dụng các phương tiện thông tin, kỹ thuật hiện đại vào trong giảng dạy; coi trọng đổi mới phương pháp giảng bài, làm cho mỗi giờ giảng, bài giảng thật sự là những công trình có tính khoa học cao, mang hơi thở của thực tiễn và đáp ứng nhu cầu nhận thức của người học.

      Thứ tư, đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời phải coi trọng đổi mới các hình thức sau bài giảng như: Tự học, thảo luận, ôn tập, thi (tự luận hoặc vấn đáp), làm cho các hình thức này thực sự trở thành những hình thức dạy học tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy- học và ý thức tự chủ, tích cực, sáng tạo của người học trong các hình thức sau bài giảng.

     Thứ năm, giảng viên giảng dạy môn Xây dựng Đảng phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm để sử dụng các phương pháp. Tức là, giảng viên phải nắm vững về kiến thức chuyên ngành, phương pháp truyền thụ kiến thức và phương pháp nghiên cứu khoa học Xây dựng Đảng. Đồng thời, phải nắm vững kết cấu, lôgíc của môn Xây dựng Đảng để có các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng chuyên đề. Các chuyên đề có tính độc lập tương đối nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau tạo tiền đề cho nhau, vừa mang tính lý luận của khoa học Xây dựng Đảng, vừa mang tính thực tiễn và những quy định cụ thể. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy giảng viên phải nắm vững kết cấu lôgíc môn học để triển khai các phương pháp giảng dạy phù hợp với dung lượng kiến thức của từng bài trong môn học. Làm tốt điều này, vừa tránh được sự nhằm chán của người học khi tiếp thu kiến thức, vừa tạo điều kiện cho giảng viên nhuần nhuyễn giữa nội dung và phương pháp.

----------------------------

ThS  Hà Thị Vui

Trưởng khoa khoa Xây dựng Đảng

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 193
  • Trong tuần: 1 270
  • Tất cả: 165145

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT