CHIẾN THẮNG 30/4/1975- MỐC SON CHÓI LỌI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM
Lịch
sử dân tộc Việt Nam là một bản trường ca hào hùng được viết nên bởi mồ hôi,
xươngmáu, nước mắt và ý chí quật cường của các thế hệcha ông qua hàng ngàn năm
dựng nước và giữ nước. Trong dòng chảy bất tận ấy, có những thời khắc lịch sử
đã trở thành điểm hội tụ của khát vọng, sức mạnh và niềm tin, tạc vào non sông
dáng hình bất tử. Ngày 30/4/1975 chính là một thời khắc thiêng liêng, một mốc
son chói lọi không thể phai mờ, đó là ngày Đại thắng Mùa Xuân lịch sử kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ và gian khổ nhất, ngày
non sông Việt Nam liền một dải sau hơn hai thập kỷ chia cắt đau thương, ngày dân
tộc ta hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở
ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và cả nước cùng đi lên chủ
nghĩa xã hội. Khoảnh khắc lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam
tung bay trên nóc Dinh Độc Lập không chỉ là biểu tượng của chiến thắng quân sự,
mà còn là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ và bản lĩnh Việt
Nam.
Sau
thắng lợi Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" năm
1954, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình
đã được lập lại trên đất nước ta, nhưng đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền
Bắc hoàn toàn được giải phóng, còn miền Nam tạm thời nằm dưới ách thống trị của
đế quốc Mỹ và tay sai. Thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu
mới và căn cứ quân sự chống lại phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội
ở Đông Nam Á, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào thay thế Pháp, dựng lên chính
quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Chính quyền này đã trắng trợn phá hoại Hiệp định
Genève, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thực hiện chính
sách "tố cộng, diệt cộng" vô cùng tàn bạo, đẩy nhân dân miền Nam vào
cảnh lầm than, nô lệ. Trước tình thế đó, nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của
Đảng Lao động Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã buộc
phải đứng lên đấu tranh vũ trang, kháng chiến chống
Mỹ để giành lại độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đế quốc Mỹ, với tiềm lực
kinh tế và quân sự khổng lồ, đã leo thang chiến tranh đến những nấc thang tàn bạo
nhất. Từ chiến lược "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ"
đến "Việt Nam hóa chiến tranh", Mỹ đã huy động vào chiến trường Việt
Nam hàng triệu lượt quân viễn chinh và quân đồng minh, sử dụng những vũ khí,
phương tiện chiến tranh hiện đại và tối tân nhất, trút xuống mảnh đất Việt Nam
lượng bom đạn khổng lồ, gây ra những tội ác man rợ và sự tàn phá khủng khiếp.
Cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc đọ sức lịch sử không cân sức giữa một
dân tộc nhỏ bé, vừa thoát khỏi ách đô hộ thực dân, với một siêu cường đế quốc
hùng mạnh nhất thế giới.
Trong
suốt hơn 20 năm, cả dân tộc Việt Nam đã đồng lòng, phát huy cao độ chủ nghĩa
anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên cường chiến đấu trên cả
ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Miền Bắc vừa xây dựng, vừa chiến
đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, vừa dốc lòng
chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Miền Nam thực sự là tiền
tuyến lớn, nơi diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Nhân dân và các lực
lượng vũ trang giải phóng đã sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú, kết
hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận, từ những trận đánh du
kích nhỏ lẻ đến những chiến dịch quân sự quy mô lớn, làm phá sản các chiến lược
chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Những địa danh như Ấp Bắc, Vạn Tường,
Plây Me, Đường 9 - Nam Lào, Khe Sanh, và đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử như những minh chứng hùng hồn cho ý chí
"quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Cuộc đấu tranh
kiên cường, bền bỉ trên chiến trường và sự đấu tranh khôn khéo, đầy bản lĩnh
trên bàn đàm phán Paris đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973. Theo Hiệp định, Mỹ phải
rút hết quân đội của mình và quân các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam,
cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam. Đây là một thắng lợi mang tính bước ngoặt, tạo ra so sánh lực lượng và thời
cơ chiến lược vô cùng thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Mặc dù Mỹ đã rút quân,
nhưng chúng vẫn tiếp tục viện trợ tài chính, quân sự cho chính quyền Nguyễn Văn
Thiệu, âm mưu duy trì chủ nghĩa thực dân mới. Chính quyền Sài Gòn liên tục vi
phạm Hiệp định Paris, ra sức lấn chiếm vùng giải phóng, tiến hành các hoạt động
bình định, khủng bố. Trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị cuối năm
1974 và đầu năm 1975 đã phân tích sâu sắc tình hình trong nước và quốc tế, nhận
định thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi. Bộ Chính trị
hạ quyết tâm nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và
nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng... trong năm 1975. Kế hoạch
chiến lược giải phóng miền Nam được vạch ra một cách khoa học, táo bạo và chắc
chắn.
Cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 04/3/1975 bằng những trận
đánh nghi binh chiến lược và sau đó là đòn tấn công then chốt, bất ngờ vào Buôn
Ma Thuột ngày 10/3 - thủ phủ của Tây Nguyên. Thắng lợi vang dội ở Buôn Ma Thuột
đã mở toang cánh cửa chiến lược, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của
địch ở Tây Nguyên, tạo ra sự đột phá cục diện chiến trường. Quân địch hoảng loạn
rút chạy trong hỗn loạn, bị quân ta truy kích tiêu diệt và làm tan rã phần lớn
Quân đoàn II. Thừa thắng xông lên, quân và dân ta mở tiếp Chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Chỉ trong thời gian ngắn cuối tháng 3, các thành phố lớn ven biển miền Trung lần
lượt được giải phóngnhư Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3). Sự sụp đổ nhanh chóng của
Quân khu I và Quân khu II đã đẩy quân đội Sài Gòn vào thế tan rã chiến lược
không thể cứu vãn.
Thời
cơ ngàn năm có một đã đến. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch giải phóng Sài
Gòn - Gia Định, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với phương châm
"Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", năm cánh quân lớn của ta, gồm
các quân đoàn chủ lực thiện chiến cùng lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi
dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Tây Bắc
đồng loạt tiến công như vũ bão vào sào huyệt cuối cùng của địch. Khí thế tiến
công của quân ta như triều dâng thác đổ, không gì cản nổi. Các tuyến phòng thủ
vòng ngoài và vòng trong của địch lần lượt bị đập tan. Sáng ngày 30/4/1975, các
binh đoàn chủ lực của ta đã thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng nhất
trong nội đô Sài Gòn: Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, biệt khu thủ đô, tổng
nha cảnh sát... Vào lúc 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 của Lữ
đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2, đi đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ
Dinh Độc Lập. Tiếp đó, chiếc xe tăng 390 đã húc tung cánh cổng chính, tiến thẳng
vào trong sân. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhanh chóng cắm lá cờ Mặt trận Dân
tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút.
Đây là giờ phút lịch sử thiêng liêng nhất, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của
chính quyền Sài Gòn. Tổng thống cuối cùng Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu
hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Ngày
30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi nhất,
mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, sâu sắc trên nhiều phương diện:
Một
là, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ và
vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng 30/4 đã đập tan hoàn toàn bộ
máy chiến tranh khổng lồ và ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân mới của
Mỹ ở miền Nam, quét sạch bóng quân xâm lược cuối cùng ra khỏi bờ cõi. Dân tộc
Việt Nam đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang: đánh
cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Đây là thắng lợi đỉnh cao của cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, chấm dứt
vĩnh viễn ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta. Qua đó đã chứng minh
cho sức mạnh phi thường của một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ nhất định không
chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hai
là, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện
thống nhất đất nước. Khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam độc lập, thống
nhất của biết bao thế hệ người Việt Nam, từ các vua Hùng dựng nước đến Hai Bà
Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và Chủ tịch
Hồ Chí Minh vĩ đại, đã trở thành hiện thực. Ngày 30/4/1975 đã xóa bỏ ranh giới
chia cắt đau thương ở vĩ tuyến 17, nối liền lại dải đất hình chữ S thân yêu, Bắc
- Nam sum họp một nhà, giang sơn thu về một mối.
Ba
là, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, thống nhất,
cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây, đất nước ta sạch bóng quân thù,
nhân dân ta thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, toàn dân tộc đoàn kết một lòng, chung tay hàn gắn vết thương chiến
tranh, xây dựng lại đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ
kính yêu hằng mong ước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dù còn nhiều khó
khăn, thử thách, là con đường duy nhất đúng đắn để đảm bảo độc lập dân tộc thực
sự, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Bốn
là, khẳng định sức mạnh của đường lối chiến tranh nhân dân, của khối đại đoàn kết
toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến
thắng 30/4/1975 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và nghệ thuật quân sự Việt
Nam, của sự kết hợp tài tình giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa đấu
tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo của
Đảng với đường lối cách mạng đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo là nhân tố quyết
định hàng đầu mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Năm
là, chiến thắng lịch sử 30/4/1975 có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, mang tầm vóc thời
đại. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước là một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mới trên
toàn thế giới, làm suy yếu trận địa của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ một mắt xích
quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chúng. Chiến thắng này đã cổ vũ mạnh mẽ
phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của
các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và Mỹ
Latinh và chứng minh rằng trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé, kinh
tế còn nghèo nàn, nhưng đoàn kết chặt chẽ, có đường lối đúng đắn, kiên cường
chiến đấu vì độc lập, tự do, được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng
và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi
kẻ thù xâm lược.
Nhìn
lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, Đại thắng Mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là
ngày 30/4 mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh
hùng cách mạng Việt Nam. Chiến thắng ấy không đến một cách dễ dàng mà được đổi
bằng sự hy sinh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, đồng bào, chiến sĩ trên khắp mọi
miền Tổ quốc. Chúng ta - thế hệ đi sau phải đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của
các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, thống nhất của non sông.
Ngày nay, phát huy tinh thần bất diệt của chiến thắng
30/4, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí
tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp
tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên sánh vai với các cường quốc
năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Tài liệu tham khảo
1.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - Tập 2 (2001), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2.
Hướng dẫn số 01-HD/BTGDVTW, ngày 21/02/2025 của Ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung
ương hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước (30/4/1975-30/4/2025)
3.
Hồ Quang Phương (2025), Nhận thức đúng
giá trị thiêng liêng của Chiến thắng 30-4-1975, Báo Quân đội nhân dân điện
tử.
ThS Bùi Thị
Phong Huyền
Chuyên viên
Phòng QLĐT&NCKH