THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC NHIỆM VỤ ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2021-2030
Nhằm
cụ thể hóa Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày
28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông
nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và
Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ngày 27/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về ban hành Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông
nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND ngày 14/10/2022 về Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp
và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với thế mạnh quan trọng
nhất của Bắc Kạn chính là điều kiện tự nhiên thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành và hệ
sinh thái đa dạng, sở hữu tiềm năng lớn về các sản phẩm nông sản đặc
trưng, có giá trị kinh tế cao, kinh nghiệm canh tác truyền thống của người dân cũng
là những lợi thế cho tỉnh phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, để
phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bắc Kạn cần phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện
thắng lợi mục tiêu: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với
du lịch; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn
mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và
nông dân văn minh, phù hợp xu thế phát triển chung của đất nước.
Để phát triển nông nghiệp và nông
thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Kạn cần thực hiện đồng bộ các nhiệm
vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, hoàn chỉnh cơ cấu sản
xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, theo 2 nhóm:
Cơ cấu theo các nhóm sản phẩm ngành hàng (nhóm
sản phẩm ngành hàng tham gia trục sản phẩm quốc gia; nhóm sản phẩm ngành hàng
tham gia trục sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm ngành hàng tham gia vào trục
sản phẩm OCOP). Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực (trồng trọt theo
hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với
biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; cơ cấu lại nội bộ ngành lấy chế biến lâm sản làm
trung tâm; phát huy lợi thế sản phẩm bản địa; cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa
học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ, trên cơ
sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác).
Thứ hai, trong sản xuất cần tổ chức lại các khâu quan trọng
để nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Chú trọng công tác nghiên cứu,
chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất
lượng, bảo tồn và phát triển các giống bản địa, sử dụng và kinh doanh vật tư
nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm, áp
dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến biến theo tiêu
chuẩn. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển công nghệ chế biến, bảo
quản nông sản; ưu tiên đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện
với môi trường và phù hợp với đặc điểm từng nhóm sản phẩm ngành hàng. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản
gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được ứng dụng cơ giới hóa và
theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng chế
biến từ các phụ phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng; khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư
đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản
xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; đảm bảo kiểm soát được
chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phục vụ tốt cho
nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, tăng
cường thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông
nghiệp tiên tiến. Phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo
chuỗi giá trị, ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá
trị cho các ngành hàng tham gia vào trục sản phẩm quốc gia; hỗ trợ xây dựng
chuỗi giá trị cho ngành hàng tham gia vào trục sản phẩm cấp tỉnh và nhóm
sản phẩm ngành hàng tham gia vào trục sản phẩm OCOP. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Nông nghiệp hữu
cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch... Phấn đấu 100% sản
phẩm sản xuất theo chuỗi được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Tổ chức đánh
giá hiệu quả các mô hình để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công
nghệ và cách quản lý mới.
Thứ tư, phát
triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Cần
chuyển
đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm đảm bảo
thu nhập cho người dân. Hỗ trợ hình
thành các tổ kinh tế chính thức để lao động có hợp đồng làm việc chính thức.
Phát triển các tổ chức của nông dân, người lao động để bảo vệ quyền lợi cơ bản
và hỗ trợ hiệu quả người lao động trong công tác đào tạo kỹ năng gắn với nhu
cầu của thị trường, trang bị bằng cấp, cho vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm xã hội,
giúp tiếp cận thị trường lao động chính thức. Phát triển mạnh
kinh tế dịch vụ ở nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô... để tạo việc
làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, xây
dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền
thống. Tiếp
tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ phát
triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của địa phương; đầu tư, hỗ trợ các xã có kế
hoạch về đích nông thôn mới; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục
duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí, tiếp tục xây dựng nông
thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông
thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nâng cấp và
hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, ưu
tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ thông
tin, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Xây dựng nông thôn mới
thông minh, ứng dụng công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều
hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ dịch vụ
xã hội cơ bản với thành thị.
Thứ
sáu, phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi
xã hội ở nông thôn. Cần lấy người dân nông
thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn
lực phát triển (vốn, đất, nước, năng lượng, khoa học công nghệ,...), các dịch
vụ cơ bản, phúc lợi xã hội (dinh dưỡng, y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa,
thông tin, giao thông,...), các cơ hội (học, việc làm, thị trường,...). Tổ chức
thực hiện tốt các chính sách phúc lợi xã hội cho người dân nông thôn. Chủ động
phòng, chống rủi ro, đảm bảo an ninh và an toàn trước thiên tai, địch họa, dịch
bệnh và các biến động lớn. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công
và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Triển khai hiệu quả các chính sách
giảm nghèo, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu
nhập để thoát nghèo bền vững.
Thứ
bảy, xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát
triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Củng
cố truyền thống văn hóa tốt đẹp và quan hệ gắn kết cộng đồng đa dạng tại nông
thôn. Tích cực hưởng ứng và phát huy hiệu quả của các phong trào “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô
thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao
chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; phát huy
vai trò của các tổ chức cộng đồng, quy ước, hương ước, thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng”. Ưu tiên dành
nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát
triển cộng đồng, phát triển nông thôn ở các cấp.
Thứ
tám, bảo vệ
môi trường sinh thái, cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng
sinh thái, phát huy lợi thế của từng địa phương, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, thân
thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản
xuất có tác động nhiều đến môi trường như chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế
biến nông sản, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân.
Quản lý, bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có của tỉnh; bảo vệ rừng, bảo
tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, giảm số vụ vi phạm và
diện tích rừng bị thiệt hại. Tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản
như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để
chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn. Thực hiện giảm phát thải khí carbon, áp
dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà
kính trong sản xuất.
ThS Nguyễn Thùy Dương
Phó Trưởng phòng TC, HC, TT, TL