BẮC KẠN THỰC HIỆN TỐT MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI
Giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải
pháp để củng cố hệ thống an sinh xã hội, giảm thiểu rủi ro về phúc lợi từ các yếu
tố kinh tế - xã hội, môi trường và từ các sự kiện khác. Ở Việt Nam, xóa
đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan
tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã
hội, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bắc
Kạn là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, mặc dù tình hình kinh tế - xã
hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, tỉnh Bắc
Kạn luôn coi an sinh xã hội có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc bảo đảm thu nhập
và một số điều kiện sống thiết yếu cho hàng chục nghìn người dân, trong đó đặc
biệt quan tâm tới mục tiêu giảm nghèo.
Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Vì
vậy, công tác giảm nghèo được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm quan trọng hàng đầu. Để thực hiện giảm nghèo đạt hiệu quả, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới tận người
dân ở các thôn, bản; xây dựng các phóng sự, tin bài và cấp phát tờ
rơi tuyên truyền về giảm nghèo cho người dân, qua đó giúp các hộ nghèo nắm rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về
công tác giảm nghèo, trách nhiệm của người nghèo, góp phần nâng cao nhận thức về giảm
nghèo, kỹ năng trong sản xuất
và sinh hoạt để tự vươn lên thoát nghèo.
Trong giai đoạn vừa qua, từ sự trợ giúp của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã vươn lên phát triển kinh tế,
từng bước ổn định cuộc sống, chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho đồng
bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Khi mới tái thành lập tỉnh
(1997) tỷ lệ hộ đói nghèo thuộc
nhóm cao nhất cả nước, toàn tỉnh có 9.357 hộ phải ở nhà tạm, 95 xã chưa có điện lưới, 11 xã chưa có đường ô tô
đến trung tâm xã… Đến nay, những con số này đã được cải thiện rất nhiều. Theo số liệu rà soát, tổng
số hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn cuối năm 2022 là 20.354 hộ, chiếm tỷ lệ 24,82%,
giảm 2,55%; số hộ cận nghèo là 7.684 hộ, chiếm tỷ lệ 9,06%, giảm 0,47%. Mục
tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022 đã hoàn thành tốt so với kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,82%. Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư 353 công trình
hạ tầng tại các huyện nghèo, 1.321 công trình hạ tầng tại các xã đặc biệt khó
khăn (Chương trình 135), kinh phí thực hiện 1.651,284 tỷ đồng. Với nhiều biện
pháp giảm nghèo tích cực đã góp phần tăng thu nhập của tỉnh, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Năm 2022, GRDP bình quân trên người ước đạt
45,4 triệu đồng/người, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của Bắc Kạn
vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa
thực sự bền vững, số hộ có nguy cơ tái nghèo cao; ý chí vươn lên thoát nghèo của
một số hộ nghèo còn hạn chế; mức hỗ trợ nhà ở cho người nghèo thấp, chưa phù hợp
với biến động giá cả thị trường. Chính vì vậy, để công tác giảm nghèo thực hiện
có hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội trong những năm tiếp theo cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ
nhất, các cấp chính quyền cần triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ
trợ giảm nghèo, tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản
xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án
liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận
nghèo, giúp họ cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.
Thứ
hai, tiếp
tục
thực hiện tốt chương trình OCOP nhằm tạo sinh kế cho người dân tại các xã, nhất
là các xã còn nhiều khó khăn. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình OCOP sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm
hàng hóa nông sản và các sản phẩm làng nghề truyền thống. Từ đó, tăng thu nhập cho thành
viên hợp tác xã và người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện mục
tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thứ
ba, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết mở rộng thị trường đầu
ra, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông
nghiệp.
Thứ
tư, chú trọng phát huy tính cộng đồng, cùng chung sức, huy động sự ủng
hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp
các nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo; có sự tham gia tích cực của người
dân, của chính người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện các chế độ,
chính sách, dự án nhằm đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực, tạo động lực cho người
nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
ThS Phùng Thị Thu Phương
Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng