SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC NHÓM TRONG GIẢNG DẠY TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN
Những
năm qua, Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn luôn chủ động, nỗ lực trong thực hiện
nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là công tác
đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Để ngày càng nâng cao về chất lượng
thực hiện nhiệm vụ, trước
hết là nhiệm vụ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đội ngũ giảng
viên trong nhà trường luôn quan tâm, chú trọng
sử dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp
dạy - học tích cực theo hướng phát huy vai trò của người học, lấy người học làm
trung tâm. Trong các phương pháp giảng dạy tích cực, phương pháp làm việc nhóm thể
hiện nhiều ưu điểm, góp phần nâng cao chất lượng các giờ giảng.
Phương pháp làm
việc nhóm là chia lớp học thành các nhóm nhỏ, các
thành viên trong nhóm hợp tác, thực hiện các
nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng nhóm để
giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc thảo luận theo các chủ đề đã được nêu ra dưới
sự điều hành của giảng viên.
Việc sử dụng
phương pháp làm việc nhóm trong giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính
trị tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn được thực hiện trong các phần học thuộc
chuyên môn của ba khoa: Khoa
Lý luận cơ sở, Khoa Xây
dựng Đảng, Khoa
Nhà nước và Pháp
luật. Số giờ giảng được áp dụng phương pháp làm việc nhóm tại mỗi lớp chiếm khoảng
từ 5% đến 10 % tổng thời lượng
chương trình. Ngoài ra, chương trình nghiên cứu thực tế của các lớp cũng có thể áp
dụng phương pháp làm việc nhóm.
Để chuẩn bị tốt
cho việc sử dụng phương pháp làm việc nhóm vào giảng dạy,
các giảng viên cần nắm vững mục tiêu,
yêu cầu của phương pháp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong cách đưa ra
vấn đề và giao nhiệm vụ cho các
nhóm. Cùng đó, giảng viên cần có sự kết hợp nhuần
nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình và phương pháp làm việc nhóm, từ đó mới có thể bao
quát và điều hành lớp học thực hiện phương pháp làm
việc nhóm một cách hiệu quả.
Trong các giờ giảng, khi giảng
viên sử dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy tịch cực sẽ giúp cho học viên tập trung
và hứng thú hơn với bài học, từ đó giúp gia tăng
sự tương tác giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với nhau, khắc phục
tình trạng khô khan, giáo điều, một chiều của phương pháp giảng dạy
truyền thống. Thông qua phương pháp làm việc nhóm giúp
học viên chủ động hơn trong việc nắm bắt, tiếp
thu tri thức, biểu đạt và
trình bày những kiến thức đã học một cách khoa học, sáng tạo. Từ đó,
dần phát huy các kỹ năng về điều hành, phân công
công việc của học viên và cũng là để thấy rõ
hiệu quả của phương pháp làm
việc nhóm.
Nhìn chung, đội
ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn đã phát huy hiệu quả của việc
áp dụng phương pháp làm việc nhóm, qua đó, bài giảng sinh động hơn. Với việc nắm
vững và tự tin về kiến thức, áp dụng phương pháp phù hợp, một số giảng viên của
Trường đạt thành tích cao trong các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường, hội
thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường đào tạo của bộ,
ngành, đoàn thể Trung ương, trở thành những giảng viên nổi trội về áp dụng
phương pháp dạy - học tích cực, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt
được, việc áp dụng phương pháp làm việc nhóm trong bài giảng của các lớp Trung
cấp lý luận chính trị vẫn tồn tại một số hạn chế:
Về khách quan:
Một số lớp học với
sĩ số học viên đông, dẫn tới khó khăn trong việc bố trí không gian phù hợp cho
làm việc nhóm, dễ xảy ra tình trạng mất trật tự.
Cơ sở vật chất,
trang thiết bị của Trường chưa đáp ứng được yêu cầu cao của công tác giảng dạy
và học tập. Không gian hội trường hẹp, thiếu một số thiết bị như không có mic
không dây, hệ thống bảng trượt, bảng lật, không có phòng học chuyên dụng cho áp
dụng phương pháp dạy - học tích cực, hiện đại…
Về chủ quan:
Còn nhiều bài giảng
chưa áp dụng phương pháp dạy - học tích cực, không áp dụng phương pháp làm việc
nhóm, giảng viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình. Học viên chưa có cơ hội
được chủ động trong việc học. Không khí học tập chưa sôi nổi.
Khi làm việc
nhóm, bên cạnh những học viên tích cực, vẫn còn một bộ phận học viên không tập
trung, thiếu tích cực, không tham gia cùng nhóm để thực hiện nhiệm vụ học tập.
Một số chủ đề thảo
luận nhóm chưa thực sự phù hợp với đối tượng học viên, chưa kích thích được
tính chủ động, sáng tạo, học viên chỉ thực hiện qua loa, chiếu lệ.
Một số giảng
viên chỉ đặt ra chủ đề làm việc nhóm, không nêu chi tiết, cụ thể các yêu cầu cần
đạt, không có sự chuẩn bị về dụng cụ, phương tiện hỗ trợ trực quan, không hướng
dẫn cách thức để các nhóm trình bày, nên hiệu quả làm việc nhóm chưa cao.
Trong thời gian
tới, để phát huy hiệu quả phương pháp làm việc nhóm vào giảng dạy chương trình
Trung cấp lý luận chính trị, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Một là, Cấp ủy, Ban
Giám hiệu tiếp tục quan tâm sát sao, lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ giảng
viên nâng cao chất lượng chuyên môn, trong đó có việc đổi mới phương pháp giảng
dạy lý luận chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày
26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác
đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho lãnh đạo, quản lý.
Hai là, quan tâm đầu
tư trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập trong bối cảnh
mới, đảm bảo không gian đủ về diện tích, hài hòa về các yếu tố trực quan như
khánh tiết, ánh sáng, thẩm mỹ phù hợp với môi trường văn hóa trường Đảng; các
thiết bị phụ trợ như mic không dây, tăng âm, loa đảm bảo chất lượng, hệ thống
máy chiếu, bảng,…
Ba là, nêu cao tinh
thần trách nhiệm của giảng viên trong việc soạn bài, giảng dạy. Trước mỗi bài
giảng có áp dụng phương pháp dạy - học tích cực, ngoài việc chuẩn bị nội dung,
cần rà soát kỹ lưỡng về phương pháp, những yêu cầu và lưu ý quan trọng để triển
khai giờ giảng hiệu quả nhất. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giảng viên là yếu tố
quan trọng nhất để áp dụng phương pháp hiệu quả và tạo sức cuốn hút đối với học
viên.
Bốn là, trong các hoạt
động chuyên môn như thao giảng, dự giờ, sinh hoạt định kỳ của các khoa có thể bổ
sung nội dung chuyên đề về phương pháp giảng dạy theo tháng hoặc theo quý,
trong đó tổ chức thao giảng, dự giờ đối với giờ giảng có áp dụng phương pháp thảo
luận nhóm để rút kinh nghiệm.
Năm là, nâng cao hơn nữa
ý thức của học viên nhằm nâng cao tính chủ động, tự giác và tích cực trong học
tập. Điều này xuất phát từ vai trò của người học, sự chú ý, tương tác của học
viên tác động giúp giảng viên hăng say, nhiệt huyết, và không khí lớp học sôi nổi
hơn.
ThS Triệu Thị Phượng Chuyên
Chuyên viên, Phòng QLĐT&NCKH