trang chủ
QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ, đó là thời kỳ lịch sử đặc biệt, chuyển từ xã hội nọ sang xã hội kia, từ chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng hãy còn non yếu. V.I. Lênin khẳng định: cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, vì phải trải qua một cuộc đấu tranh khốc liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản.

Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh nhận định, một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữ cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng. Người chỉ rõ: “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Chúng ta phải dần dần tập thể hóa nông nghiệp. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công nghiệp. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”[1]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã xác định những nội dung chủ yếu của thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trước hết cần phải làm tốt một số nội dung sau:

Về kinh tế, theo Hồ Chí Minh là phải xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại; nhấn mạnh tăng năng suất lao động trên cơ sở công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Người chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh và các hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, làm nền tảng cơ sở kinh tế - xã hội cho chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh rất coi trọng mối quan hệ phân phối và quản lý kinh tế, khẳng định chủ trương thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng; bên cạnh đó, chú ý thực hiện chính sách ưu tiên người có công với cách mạng, tương trợ, giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Đây là quan điểm quan trọng, thể hiện tầm nhìn trong việc giải phóng sức sản xuất, tạo động lực cho kinh tế phát triển, vận hành theo đúng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Về chính trị, trong thời kỳ quá độ, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, trước hết phải giữ vững, phát huy và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là làm sao cho Đảng thật trong sạch, không bị các bệnh quan liêu, xa dân, thoái hoá biến chất, chủ nghĩa cá nhân làm mất lòng tin của Nhân dân, làm suy giảm năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; thể chế hóa và hiến định các quyền của công dân, kể cả quyền tham chính; việc thực thi quyền lực nhà nước do dân ủy quyền của các quan chức, công chức phải được giám sát, kiểm soát. Phát huy dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, tôn trọng nhân quyền và dân quyền. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc củng cố mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất với nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Về văn hoá - xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định phải triệt để xóa bỏ nền văn hóa nô dịch, lạc hậu, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng lối sống mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh vai trò của nền văn hóa mới, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa - đủ đức và tài. Đồng thời, đề cao vai trò của văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật trong phát triển đất nước, coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo, sử dụng nhân tài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Người khẳng định rõ con đường phát triển của dân tộc Việt Nam: “chúng tôi xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nước vốn là thuộc địa, một nước nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá. Hoàn cảnh ấy, cố nhiên gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn. Song, những thắng lợi bước đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phép chúng tôi tin tưởng chắc chắn ở sự cần thiết và khả năng của một nước như nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi không phải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa”[2]. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mà còn vận dụng sáng tạo lý luận đó vào sự lãnh đạo của Đảng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ, mở ra trang sử mới cho đất nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) nêu rõ: con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta cũng nêu rõ xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trước những năm đổi mới đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức: đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng trầm trọng, Liên Xô và phe các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Vận dụng tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước xác định rõ hơn những chặng đường mà dân tộc phải trải qua trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Như vậy, bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể từng giai đoạn cách mạng của đất nước, Đảng ta đã xác định đúng đắn hơn những chặng đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ đó nhìn nhận rõ hơn về đặc điểm và thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.11, tr.91-92

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.378-379.

 

                                                         CN. Nông Thị Thanh Hường

                                                     GV. Khoa Lý luận cơ sở

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 205
  • Trong tuần: 1 344
  • Tất cả: 191550

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC KẠN

Trụ sở: Tổ 4, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 02093.871.095, 02093.871.787, 02093.810.875

Email: truongchinhtri.tct@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ webstite này
Thiết kế bởi VNPT